Để ngồi vững trên ghế lái
Muốn tránh tình trạng nguy hiểm trên thì bạn phải chỉnh ghế lái sao cho chân mình thừa tầm đạp bàn côn, đạp phanh, ga… xuống sát sàn xe. Tay cầm lái của bạn vừa tầm, không phải với khiến dễ gây mất lái, và cũng không gò bó mà làm tay lái mất linh động. Lưng tựa nhẹ vào ghế, vai và đầu phải thẳng và luôn trong tư thế độc lập. Khi gặp sự cố, bạn đạp mạnh hai chân xuống sàn xe, đẩy lưng tựa chặt vào ghế lái, hai tay chống thẳng và cầm thật chắc vào tay lái. Với tư thế này nếu dây an toàn đã được thắt thì dù xe có bị quăng quật hay bay… lên trời, bạn vẫn không hề bị hất ra khỏi ghế lái.
Xe ô tô leo lên dải phân cách
Ngoài việc ngồi vững vàng trên ghế lái thì tầm quan sát cũng được đưa lên hàng đầu. Chỉnh gương chiếu hậu hai bên phải và trái của xe sao cho mắt bạn kiểm soát được tình trạng giao thông hai bên đường. Gương trong phòng lái phải nhìn được cảnh quang đằng sau xe mình. Đồng thời mắt kiểm soát tốt diễn biến tình trạng bản táp-lô trung tâm nằm ngay trước mặt mình.
Nếu tưởng tượng vô lăng là chiếc đồng hồ, thì tay trái bạn luôn đặt ở vị trí số 9, tay này giữ nhiệm vụ chính trong việc định hướng xe. Lực phản hồi sẽ đi ngược từ bánh xe lên tay lái, vì vậy cần một lực cầm vừa phải (cầm nhẹ quá thì dễ bị cướp lái, chặt quá cầm lâu sẽ bị mỏi). Tay phải dùng để điều khiển số, kéo nhả phanh tay, bấm còi, chỉnh máy lạnh, radio… Khi không thao tác gì thì tay phải đặt ở vị trí từ số 1 đến số 3 và hỗ trợ với tay trái khi cần đánh lái nhiều vòng hoặc giữ vững tay lái khi cần thiết. Và để túi khí (Air bag) hoạt động có hiệu quả thì khoảng cách an toàn từ ngực bạn đến vòng lái không nên dưới 30cm.
Làm quen với hệ thống điều khiển
Nguồn động lực từ động cơ được truyền xuống các bánh xe qua một bộ phận trung gian có nhiều bánh răng phân cấp gọi là hộp số. Hộp số được chia làm hai loại: Số tự động và số tay. Bộ điều khiển hộp số tự động làm việc theo nguyên lí thủy lực. Với hộp số tự động, chỉ cần vào số một lần (mở van dầu) rồi sau đó xe chạy nhanh hay chậm tùy thuộc chân ga của bạn mà không cần sang số nhiều lần như xe số tay. Muốn dừng xe lại chỉ cần đạp phanh, không cần ra số mà xe vẫn không tắt máy. Xe được trang bị số tự động không có chân côn rất thuận tiện, nhàn nhã cho người lái.
Xe sử dụng số tay thì ở giữa hộp số và động cơ có trang bị một bộ phận đóng ngắt nguồn động lực gọi là bộ li hợp (côn). Bộ li hợp được điều khiển bởi một bàn đạp nằm phía dưới chân trái của bạn. Đạp côn là ngắt nguồn động lực, xe sẽ dừng lại hoặc chỉ chạy theo quán tính. Buông chân ra là nối lại nguồn động lực, xe sẽ lăn bánh theo ý của người điều khiển. Vì vậy khi bạn muốn cho xe chạy với một tốc độ nào đó theo ý mình, thì lúc ấy chân trái bạn đạp côn đồng thời tay phải phải vô ra số liên tục.
Cùng với việc đưa nguồn động lực truyền xuống các bánh xe sao cho xe chạy mạnh mẽ, thì việc chế tạo bộ phận hãm (phanh) các bánh xe cũng được nhà chế tạo nghiên cứu kĩ. Bàn đạp phanh nằm ngay dưới chân phải của bạn đó. Phanh xe du lịch làm việc theo nguyên lí thủy lực (phanh dầu) có sự trợ lực chân không (khi nổ máy). Khi đạp phanh, pít-tông nằm trong một xi lanh lớn (heo cái) đẩy dầu chạy theo đường ống kim loại đến bộ phận phân bố lực dầu.
Từ đây, dầu theo các ống kim loại nhỏ hơn chạy vào từng xi lanh con (heo con) nằm ở các bánh xe. Lực nông của dầu phanh đẩy hai pittong nằm trong mỗi heo con ra hai bên làm các má phanh dịch chuyển khiến bánh xe bị hãm lại.
Người ta phát hiện các vụ lật xe khi phanh gấp, thường do các bánh xe bị bó cứng đột ngột, lúc đó các bánh xe bị trượt trên mặt đường, lực quán tính dồn xe quay ngang rồi lăn vòng. Do đó hệ thống tự động chống bó cứng bánh xe ABS (Anti-lock Braking System)) được ra đời để khắc phục tình trạng trên. Xe có trang bị ABS có tính an toàn cao, vừa phanh gấp vừa có thể điều khiển xe tránh chướng ngại vật. Với những xe không trang bị ABS, khi phanh gấp bạn nhớ bình tĩnh đạp nhả, đạp nhả nhé! (Còn tiếp)
Trần Kiêm Hạ