Theo đó, Chính phủ quy định mức đóng BHYT hằng tháng của các đối tượng được phân chia như sau:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (người lao động) mức đóng bảo hiểm bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động.
Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng cũng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản (theo quy định hiện hành, thời gian người lao động nghỉ thai sản sinh con hoặc nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi không phải đóng BHYT nhưng vẫn được tính vào thời gian tham gia BHYT).
Còn mức đóng của người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng là 4,5% mức lương cơ sở.
Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì mức đóng bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì đóng bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp.
Ảnh minh họa
Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo; hộ cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT.