Mỗi năm DN mất 872 giờ để… nộp thuế

Con số này được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết từ báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới tại hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh diễn ra sáng 4-6.

“Đội sổ” trong khu vực

Ông Cung cho biết nếu Việt Nam đạt được mức trung bình của ASEAN6 (sáu chỉ số hoạt động kinh doanh: Cấp giấy phép kinh doanh, nộp thuế, thực hiện thủ tục hải quan, tiếp cận hệ thống điện, bảo hộ các nhà đầu tư, tiếp cận tín dụng và làm thủ tục phá sản) thì môi trường kinh doanh của nước ta sẽ có cải thiện vượt bậc. Tuy nhiên, hiện nay so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều, nhất là về chỉ số nộp thuế.

Theo phân tích của ông Bùi Thái Quang, đại diện dự án Quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID, hiện chỉ số nộp thuế của Việt Nam đứng thứ 149, thấp nhất trong khu vực. Trong đó thời gian nộp thuế gấp bốn lần mức trung bình của các nước châu Á-Thái Bình Dương (208 giờ). Cụ thể thời gian nộp thuế tại Indonesia chỉ mất 259 giờ, Thái Lan 264 giờ, Phillipines 193 giờ, Malaysia 133 giờ và Singapore 82 giờ.

Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HTD

Lý giải vì sao ở Việt Nam nộp thuế lại tốn nhiều thời gian như vậy, ông Quang cho biết: “Trong 872 giờ thì số giờ doanh nghiệp dùng để đóng các loại thuế và đóng góp an sinh xã hội của người lao động là chiếm thời gian nhiều nhất với 335 giờ. Điều này bắt nguồn từ yêu cầu phải tuân thủ năm loại thuế đánh trên thu nhập trước thuế và nghĩa vụ phải làm thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân. Phần còn lại doanh nghiệp tốn 320 giờ nộp thuế VAT, 217 giờ để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó thủ tục nộp thuế yêu cầu chi tiết trong hồ sơ khai hằng tháng và cả năm, phải kê khai nhiều lần trong năm, việc kê khai nhiều khi vừa thực hiện bằng giấy vừa kê khai điện tử, thời gian làm thủ tục nộp thuế dài…”.

Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Trưởng ban Cải cách và Hiện đại hóa Tổng cục Thuế, cho rằng thời gian nộp thuế như hiện nay là đã cải thiện nhiều so với mức 1.050 giờ trước đây. Theo bà Lan, riêng ngành thuế đã có rất nhiều nỗ lực để rút ngắn thời gian nộp thuế của doanh nghiệp nhưng cần có sự phối hợp của ngành bảo hiểm xã hội. Bởi đây là lĩnh vực ngốn không ít thời gian của doanh nghiệp.

“Nếu như vẫn giữ thủ tục thuế và bảo hiểm xã hội như hiện nay thì rất khó rút ngắn thời gian nộp thuế. Vì vậy cần phải chia thời gian nộp thuế và bảo hiểm cụ thể từng lĩnh vực nếu bên nào không đạt thì xử lý bên ấy” - bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đề nghị.

Phải giảm năm lần mới đạt mức trung bình

Theo bà Cúc, để rút ngắn thủ tục, thời gian nộp thuế không chỉ liên quan đến ngành thuế mà cả hệ thống. Bởi lẽ có nhiều lý do khiến cho việc nộp thuế tốn thời gian như hiện nay. Đó là do hệ thống văn bản pháp quy thiếu sự thống nhất, rõ ràng khiến người nộp thuế khó hiểu và ngay trong cơ quan thuế cũng có tình trạng nhiều cách hiểu khác nhau. Thêm vào đó một số văn bản hướng dẫn thực thi pháp luật thuế chậm ban hành làm cho doanh nghiệp khó khăn khi thực hiện. Ngoài ra, việc kê khai thuế điện tử hiện nay vẫn hay có tình trạng nghẽn mạch do cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo mà doanh nghiệp hay dồn đến cuối hạn mới thực hiện.

Bà Cúc cũng lưu ý công tác kiểm tra, thanh tra hiện nay có quá nhiều cơ quan thực hiện. Vì vậy việc kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, ai cũng muốn vào doanh nghiệp để kiểm tra cả. “Kiểm tra là cần thiết nhưng các cơ quan nên sử dụng kết quả kiểm tra của nhau tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Đồng thời cán bộ, công chức cũng cần thay đổi tư duy phục vụ thay vì quản lý thì mới có thể thực hiện được những tuyên ngôn về minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính và đổi mới trong ngành thuế để giúp doanh nghiệp tránh được rào cản” - bà Cúc nhấn mạnh.

Ông Cung cho biết Thủ tướng vừa ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó đến năm 2015, ngành thuế phải giảm thời gian nộp thuế từ 872 giờ còn 171 giờ/năm. Tức là thời gian nộp thuế phải giảm năm lần. “Để đạt được điều này đòi hỏi các bộ, ngành có liên quan phải có một bước nhảy vượt bậc. Trong đó vai trò của các bộ trưởng là rất quan trọng đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn. Các bộ trưởng phải biết được điều này và có giải pháp thì mới thực hiện được” - ông Cung nói.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm