Mỗi ngày TP.HCM thải ra 8.300 tấn rác

Sáng 11-6, HĐND TP.HCM đã tổ chức kỳ họp bất thường chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP. Đến dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Trước giờ khai mạc kỳ họp, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tham quan mô hình công nghệ mới về vận chuyển thu gom rác thải. Ảnh: TÁ LÂM

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, chất lượng môi tường TP đáng lo ngại, ô nhiễm ở các mức độ khác nhau trên tất cả các lĩnh vực của môi trường chưa được cải thiện đáng kể như nước mặt, nước ngầm, các kênh rạch, nước thải, không khí, tiếng ồn, chất thải rắn... đặc biệt, bùn thải vẫn chưa được xử lý. “Tất cả những vấn đề này có mức độ ô nhiễm vượt chuẩn”- bà Tâm nói.

Bà Tâm khẳng định, nhiều khu vực ô nhiễm môi trường phức tạp, có mặt còn phức tạp hơn gây bức xúc trong nhân dân TP. Ý thức bảo vệ môi trường của bộ bộ phận tổ chức và cá nhân chưa tốt.
"Tình hình đó đặt ra yêu cầu HĐND TP cần phải ra quyết sách tạo sự chuyển biến rõ nét về vấn đề này”- bà Tâm nói và đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, trách nhiệm, thảo luận sâu những nguyên nhân, từ đó có những giải pháp bảo vệ môi trường bền vững cho TP như các vấn đề về tổ chức phân loại rác tại nguồn, đổi mới công nghệ xử lý rác...
Báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải và được thu gom bởi Công ty Môi trường đô thị, các công ty dịch vụ công ích quận huyện (chiếm 40%) và hệ thống thu gom dân lập (chiếm 60%).
Về xử lý, hiện bãi rác Đa Phước (Bình Chánh) chôn lấp khoảng 5.500 tấn/ngày, số còn lại được chôn lấp, tái chế và làm phân compost tại các đơn vị thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi.
Ông Thắng cho biết, lượng chất thải y tế phát sinh mỗi ngày trên địa bàn TP khoảng 22 tấn/ngày từ hơn 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân.
Việc phân loại rác tại nguồn đã bắt đầu thí điểm từ năm 1998, nhưng khi đó do thực hiện không đồng bộ nên xảy ra tình trạng người dân phân loại xong các đơn vị thu gom lại “gộp chung” rồi đem chôn lấp nên kết quả không thành công.
Những năm gần đây, TP đã triển khai thí điểm giai đoạn hai và bước đầu đã xử lý, tái chế được một lượng đáng kể. “Mới đây UBND TP đã phê duyệt đề án phân loại rác tại nguồn và đang trong giai đoạn triển khai để thực hiện đại trà trên toàn TP”- ông Thắng nói.
Hiện nay, phần lớn lượng rác thải sinh hoạt chỉ được chôn lấp nên tốn nhiều đất và chưa giải quyết được triệt để vấn đề mùi hôi. Do đó, TP đang xem xét theo hướng ưu tiên đầu tư các dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại hơn.
Tại kỳ họp, các đại biểu đề nghị xử phạt nặng đối với các tổ chức và cá nhân gây ô nhiễm môi trường.

Đại biểu HĐND TP.HCM phát biểu ý kiến. Ảnh: TÁ LÂM

“Tôi rất bức xúc khi ra đường thấy người ta hút thuốc lá rồi vứt xuống đường, cần lập kế hoạch ngắn hạn và trumg hạn tuyên truyền ý thức cho người dân về bảo vệ môi trường, bên cạnh biện pháp xử phạt nghiêm”- đại biểu Vương Đức Hoàng Quân nói.

Còn đại biểu Võ Văn Tân cho rằng, các biện pháp xử lý hành chính phải nghiêm. “Tại sao ở các nước không ai vứt tàn thuốc xuống đường, bởi vì mức phạt của họ rất cao”- ông Tân nói.
Đại biểu Tân cũng cho rằng, việc thu gom rác dân lập hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề cần xử lý. “Người ta vui thì đi, buồn thì không đi. Có khi một ngày đi, khi khác lại cả tuần không thấy đi thu gom rác”- ông Tân chi biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới