Trong thông điệp năm mới 2018, chính quyền Triều Tiên thông báo khả năng hạt nhân nước này hiện đã hoàn tất và nút phóng hạt nhân luôn sẵn sàng trên bàn làm việc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
“Nút hạt nhân đã sẵn sàng”
“Toàn bộ Mỹ nằm trong phạm vi vũ khí hạt nhân của chúng ta và nút kích hoạt hạt nhân luôn nằm trên bàn làm việc của tôi. Đó là thực tế chứ không phải đe dọa suông” - hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Kim Jong-un trong bài phát biểu đầu năm mới. Ông Kim cảnh báo “Mỹ sẽ không thể phát động chiến tranh” chống lại Triều Tiên vì biết rằng hiện nay Triều Tiên “đang sở hữu sức mạnh hạt nhân to lớn”.
Ông Kim Jong-un khẳng định thành tựu to lớn nhất của Triều Tiên năm 2017 là hoàn tất năng lực hạt nhân quốc gia. “Năm nay, chúng ta cần tập trung vào việc sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đưa vào hoạt động” - ông Kim thông báo, đồng thời nhấn mạnh Triều Tiên là một quốc gia yêu hòa bình. “Những vũ khí này sẽ chỉ được sử dụng nếu an ninh bị đe dọa” - ông khẳng định.
Trong bài phát biểu đầu năm ngoái, ông Kim từng khẳng định Bình Nhưỡng đang “bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng” để thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Suốt năm 2017, Triều Tiên đã “giữ lời hứa”, liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm xa và cả ICBM mà nước này tuyên bố là có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bài phát biểu đầu năm mới phát đi từ thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA
Nâng tầm vị thế của Nga
Trong danh sách các nhà lãnh đạo gửi điện mừng năm mới đến Triều Tiên do hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải hôm 30-12, tên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được đặt trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, theo hãng tin Yonhap.
Giới quan sát nhận định Moscow đang dần đóng một vai trò tích cực trong giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hồi tuần trước, điện Kremlin đã khẳng định sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng nếu cả hai đồng ý đàm phán.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng chỉ trích những phát ngôn “gây căng thẳng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Triều Tiên, nhấn mạnh Washington nên chủ động đối thoại. Nga trước đó cũng tranh luận về các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, cũng như gửi phái đoàn an ninh đến Triều Tiên để thảo luận về “các mối đe dọa chung”.
Ngược lại, việc “vị trí” của Trung Quốc bị xếp sau Nga bốn năm liên tiếp đã cho thấy mối quan hệ đang nhiều bất đồng giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, theo Yonhap. Căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh leo thang thời gian gần đây sau khi Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ và thực thi mạnh mẽ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Trong khi đó, từ năm 2009 đến 2014, Triều Tiên luôn nhấn mạnh liên minh mạnh mẽ với Trung Quốc bằng cách đăng tải riêng thông điệp chúc mừng năm mới nhận được từ Bắc Kinh trên trang báo của KCNA.
Cơ hội đối thoại
Cũng trong bài phát biểu năm mới, ông Kim Jong-un cho biết sẽ cân nhắc gửi phái đoàn tham dự Thế vận hội Mùa đông được tổ chức tại Pyeongchang, Hàn Quốc vào tháng 2 năm nay. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng thể hiện ý định muốn tham dự Thế vận hội Mùa đông mà Hàn Quốc là nước đăng cai, mở ra triển vọng đối thoại giữa hai nước.
“Sự kiện thể thao mùa đông được tổ chức ở Hàn Quốc sẽ là dịp tốt cho đất nước và chúng tôi thật sự mong muốn thế vận hội sẽ thành công. Chúng ta sẵn sàng có những hành động cần thiết, bao gồm việc cử phái đoàn tham dự. Quan chức hai nước có thể gặp nhau ngay để thảo luận khả năng này” - ông Kim Jong-un cho biết.
Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in lập tức hoan nghênh tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, khẳng định “sự thành công của thế vận hội không những mang lại hòa bình, ổn định cho bán đảo Triều Tiên, mà còn cho Đông Á và các khu vực khác trên thế giới”. Trong tuyên bố hồi tháng trước, ông Moon từng nói rằng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn có thể được hoãn lại nếu Triều Tiên không có hành động khiêu khích làm gián đoạn thế vận hội.
Trong khi đó, theo đánh giá của Viện Chiến lược an ninh quốc gia (INNS) của Hàn Quốc, phía Triều Tiên có thể tự nhìn nhận việc đưa đoàn vận động viên quốc gia đến PyeongChang là một “sự giúp đỡ” cho phía Hàn Quốc đạt được một kỳ thế vận hội mùa đông thành công. INNS dự đoán rằng chính quyền Bình Nhưỡng có thể nhân dịp này đưa ra yêu cầu Seoul gỡ lệnh trừng phạt, nối lại các dự án hợp tác kinh tế hoặc viện trợ nhân đạo. Theo báo cáo của INNS, trong các cuộc đối thoại sắp tới, có thể chính quyền Triều Tiên sẽ đưa ra đề nghị đình chỉ các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn. “Bình Nhưỡng có thể sẽ đặt ra các điều kiện như vậy khi bắt đầu đối thoại với Seoul về sự kiện Olympic. Động thái này nhằm tạo ưu thế trong quan hệ liên Triều” - hãng tin Yonhap dẫn lại báo cáo của INNS. KIỆT ANH __________________________ Ông Lee Hee-beom, trưởng ban tổ chức Thế vận hội Pyeongchang, gọi quyết định của Bình Nhưỡng là “món quà đầu năm mới”, khẳng định Hàn Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự tham gia của Triều Tiên, bao gồm cả việc chuẩn bị chỗ ở và thủ tục di chuyển. |