Mong có phép màu để con thoát tội chết: Án xử không sai nhưng quá nghiêm khắc

Trên số báo hôm qua (4-8), chúng tôi đã đăng bài viết “Mong có phép màu để con thoát tội chết” phản ánh chuyện mẹ của tử tù Nguyễn Quốc Trung đang phập phồng vì con mình có thể bị thi hành án tử bất cứ lúc nào. Bà đã được mời lên làm thủ tục để nhận xác con, đồng nghĩa với đơn xin ân xá tội chết của Trung đã bị Chủ tịch nước bác bỏ. Bà đã gửi thư đến Chủ tịch nước để xin tha tội chết cho con mình và đang ngày đêm cầu trời khấn Phật mong có phép màu đến với con bà…

Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc thắc mắc tử tù Trung phạm tội thế nào, có thật sự đáng bị loại vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội hay không… Đặc biệt, có chuyên gia pháp luật phát hiện ra Trung có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chứng tỏ tử tù không hoàn toàn mất nhân tính hay tàn ác mà còn có thể cải tạo được. Từ đó, họ trăn trở liệu có thể nào có một kết cục nhân đạo hơn chăng…

Gây án từ chuyện không đâu

Bản án sơ thẩm ngày 21-4-2011 của TAND TP.HCM xác định chiều 9-1-2010, bị cáo Trung nhậu với bạn cùng làm nghề phụ hồ với mình tại đường Nhất Chi Mai, quận Tân Bình, TP.HCM. Đến 21 giờ, Lê Quang Kiệt đi về trước, trên đường về xảy ra va chạm với anh PTD. Kiệt đem chuyện trên kể lại cho Phạm Xuân Ân nghe rồi cả hai đi kiếm anh D. để trả thù. Trong khi đi tìm anh D., Ân gặp anh PVC (em ruột anh D.), hai bên sinh cự cãi.

Cùng lúc đó, cuộc nhậu của bị cáo Trung cũng tan, Trung về lại công trình xây dựng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Tại đây, Kiệt kể lại việc va chạm rồi rủ Trung đi tìm anh D. để đánh. Cả hai đến nhà anh D. khi Ân đang cãi nhau với anh C. Lúc này, anh D. từ trong nhà bước ra. Cự cãi qua lại, Ân đánh vào mặt anh D. nên anh D. lấy côn nhị khúc ra đánh lại Ân. Trong lúc đó, bị cáo Trung, Kiệt cũng xông vào đánh nhau tay không với anh C.

Trong lúc đánh nhau, bị cáo Trung rút con dao xếp trong túi quần ra đâm anh D. một nhát trúng hông. Trong lúc giằng co, anh C. kéo áo Trung làm cả hai cùng té ngã xuống đường, Trung nằm phía trên đã dùng dao đâm nhiều nhát vào ngực và bụng anh C. Cùng lúc, Kiệt dùng cây gỗ tròn đánh nhiều cái vào người anh C., Ân chạy đến đá anh C. Sau khi gây án, cả nhóm quăng hung khí bỏ chạy, Trung về nơi ở nhờ chủ nhà đưa ra công an đầu thú, chủ nhà đã nhờ người gọi công an đến.

Hai người anh bị khuyết tật (bên trái) và mẹ bị cáo Trung (thứ hai, bên phải) đang nhờ Văn phòng luật sư Người Nghèo giúp đỡ. Ảnh: ĐT

Kết quả điều tra ban đầu xác định cả Ân và Kiệt đều không biết Trung đã dùng dao đâm anh C. nên cơ quan tiến hành tố tụng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự Ân và Kiệt về tội gây rối trật tự công cộng.

Kết quả giám định kết luận anh C. tử vong do sốc mất máu cấp do đa vết thương đâm, anh D. thương tật vĩnh viễn 1%. Bản thân bị cáo Trung cũng mang thương tật 3% vĩnh viễn.

Dựa trên kết quả điều tra, đầu năm 2011, VKSND TP.HCM đã ra cáo trạng truy tố Trung về hai tội giết người và cố ý gây thương tích.

Bị cáo đã nhờ người giúp để đầu thú

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21-4-2011, TAND TP.HCM nhận định giữa bị cáo Trung và người bị hại không có mâu thuẫn, chỉ vì bênh bạn mà bị cáo đã dùng dao đâm chết một người, đâm bị thương một người. Theo tòa, nạn nhân trong tư thế nằm dưới, chỉ dùng tay không, bị cáo nằm phía trên và hai người đánh một người. Hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ, tình tiết định khung được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS. Mặt khác, nạn nhân thất thế nằm dưới, bị cáo dùng dao đâm nhiều nhát vào phần bụng, ngực là những vùng trọng yếu nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Điều đó thể hiện bị cáo cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e Điều 48 BLHS. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đó là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 20-7-2011, luật sư bào chữa (chỉ định) cho bị cáo đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ là bị cáo tự thú. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng hồ sơ thể hiện sau khi gây án bị cáo bị công an bắt nên không chấp nhận đề nghị của luật sư. Từ đó, HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm đúng pháp luật, hình phạt đưa ra là tương xứng, trong khi bị cáo Trung không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào mới nên giữ nguyên án sơ thẩm.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Văn Bá Duy, chủ nhà nơi bị cáo Trung ở, nói chính Trung đã nhờ ông đưa ra công an để đầu thú. “Thằng Trung chạy về nói với tôi là đánh nhau làm chết người và nhờ tôi đưa ra công an để đầu thú. Tôi không biết cách làm nên gọi cho ông thầu công trình nơi Trung làm việc nhờ gọi công an đến. Sau đó, công an đến nhà tôi và đưa Trung đi” - ông Duy khẳng định.

Đúng tội nhưng liệu có quá nặng?

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét tòa tuyên bị cáo Trung phạm tội giết người theo Điều 93 BLHS là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo Trung trong trường hợp này dường như quá nặng.

Theo luật sư, sau khi phạm tội, bị cáo đã nhờ người quen giúp ra đầu thú. “Tuy Trung không đến cơ quan có thẩm quyền để trình diện nhưng thực tế cơ quan công an biết nơi Trung đang ở là do Trung yêu cầu người thân đưa ra đầu thú và người thân đã gọi cho công an. Vì vậy, việc cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ đầu thú là hoàn toàn đúng luật” - luật sư Chánh nói.

Mặt khác, luật sư cho rằng hành vi tước đoạt mạng sống nạn nhân của bị cáo xảy ra trong khi bị cáo đánh nhau với nạn nhân. Bản thân Trung không có dự mưu từ trước, hành vi theo luật thì đúng là côn đồ nhưng xét trong hoàn cảnh phạm tội lại mang tính bột phát, nhất thời. Ngoài tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo còn là lao động chính trong gia đình, gia đình bị cáo rất khó khăn, có hai người anh bị câm điếc bẩm sinh, bị cáo có trình độ văn hóa thấp… Đây hoàn toàn có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thứ ba.

“Tử hình là hình phạt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đã mất hết nhân tính, tàn bạo, không thể cải tạo, giáo dục được nữa. Trong khi đó, nhiều tình tiết chứng tỏ bị cáo Trung vẫn còn khả năng cải tạo, giáo dục được. Tôi cho rằng hình phạt chung thân cũng đủ nghiêm khắc đối với bị cáo, đủ sức răn đe, giáo dục chung” - luật sư Chánh trăn trở.

ĐỨC TRÍ

Hình phạt quá nghiêm khắc!

Hình phạt tử hình được áp dụng đối với bị cáo Nguyễn Quốc Trung trong vụ án này là quá nghiêm khắc so với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội trong hành vi của bị cáo.

Tử hình chỉ áp dụng đối với người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện tính nguy hiểm cao độ và người phạm tội không còn khả năng cải tạo, giáo dục. Sự tồn tại của người phạm tội trong trường hợp này là một mối nguy hại cho xã hội nên việc áp dụng hình phạt tử hình là sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất để triệt tiêu khả năng phạm tội mới của người phạm tội, bảo vệ trật tự và sự phát triển chung của xã hội.

Tuy nhiên, hành vi của bị cáo Trung trong vụ án này chưa thể hiện một cách rõ ràng rằng bị cáo đã không còn có khả năng cải tạo, giáo dục được nữa. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đã thể hiện rõ sự ăn năn hối cải về hành vi của mình nên đã nhờ người đưa mình đi đầu thú, sau đó là thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội. Đồng thời, bị cáo đã không có hành động khác nhằm trốn tránh tội phạm do mình thực hiện.

Cạnh đó, bị cáo chỉ bị áp dụng duy nhất tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng. Tuy vậy, việc áp dụng tình tiết này có phần chưa hợp lý. Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng được hiểu là việc người phạm tội quyết tâm thực hiện ý định phạm tội của mình mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những cản trở khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Để áp dụng tình tiết này, đòi hỏi hành vi phạm tội của bị cáo phải bị người khác can ngăn hoặc cản trở nhưng bị cáo vẫn cố tình loại bỏ đi sự can ngăn, cản trở đó để thực hiện bằng được tội phạm. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi giết người trong vụ án này, bị cáo không bị can ngăn, cản trở nào nên việc cho rằng bị cáo cố tình thực hiện tội phạm đến cùng là không hợp lý.

ThS TRẦN THANH THẢO,
giảng viên Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm