30 năm sự kiện Gạc Ma:

'Mong một ngày Gạc Ma về với đất mẹ Việt Nam'

Tối 13-3, đài PT-TH Đà Nẵng, Nhà hát Trưng Vương, Hội cựu chiến binh TP Đà Nẵng, Thành đoàn Đà Nẵng, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức chương trình gặp gỡ và  tri ân 64 liệt sĩ nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma-Trường Sa.

Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng

30 năm trôi qua, những ký ức về sự kiện Gạc Ma vẫn mãi hằn sâu trong tâm trí của các cựu binh Trường Sa năm xưa.

Cựu binh Nguyễn Văn Chương (Trung đội trưởng Trung đội, Đại đội 9–Trung đoàn 83, nguyên chỉ huy trưởng phân đội công binh xây dựng đảo đá Gạc Ma tháng 3-1988) bồi hồi kể lại: Năm 1988, cùng với tàu HQ 604, HQ505, đơn vị ông được phân công nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ các công trình trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các cựu binh Gạc Ma cùng bồi hồi ôn lại ký ức về sự kiện Gạc Ma xảy ra ngày 14-3-1988. Ảnh: TÂM AN

"Khoảng 6 giờ sáng ngày 14-3, tôi thấy quân Trung Quốc ồ ạt kéo vào Trường Sa. Nhận lệnh của cấp trên, tôi và anh Trần Văn Phương khẩn trương bơi thuyền đến cắm lá cờ đầu tiên tại Gạc Ma, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với đảo này", ông Chương nhớ lại.

Theo ông Chương, sau đó, Trung Quốc xua quân được trang bị vũ khí hiện đại đến bao vây Gạc Ma hòng cướp lá cờ. Tuy nhiên, âm mưu của chúng nhanh chóng thất bại trước sự chống trả kiên cường, anh dũng của những anh Phương, anh Lanh cùng các chiến sĩ có mặt trên đảo bấy giờ.

"Cứ người này ngã xuống, người kia lại lao đến giữ vững lá cờ Tổ quốc. Câu nói 'Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất cờ, mất đảo!' của liệt sĩ Trần Văn Phương chính là nguồn động lực to lớn giúp anh em chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, ông Chương xúc động.

Ngồi kế bên ông Phương, cựu binh Trương Minh Hiền chia sẻ cho đến hết cuộc đời, ông cũng không thể nào quên những ngày phải trôi dạt trên biển sau khi tàu của ông bị quân Trung Quốc bắn cháy.

“Bấy giờ tôi bám được vào một thanh củi rồi cứ thế lênh đênh trên biển suốt nhiều giờ. Sau đó, tôi bị tàu Trung Quốc bắt. Bốn năm sau, thông qua ngoại giao, tôi được trao trả về nước. Dù trở về với nhiều vết thương trên cơ thể nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn hơn nhiều anh em đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển cả mênh mông. Bây giờ và mãi mãi sau này chúng tôi luôn tự hào về các anh, đồng đội ơi!”, ông Hiền nghẹn ngào.

BTC trao hai cuốn sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 50 triệu đồng cho vợ liệt sỹ sĩ Phan Huy Sơn và cựu binh Nguyễn Văn Lực. Ảnh: TÂM AN

Trong kí ức mìnhn, cựu binh Trần Đình Dần (nguyên Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn công 83) vẫn nhớ như in hình ảnh đồng đội kết thành vòng tròn bất tử để bảo vệ đảo, bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc.

“Vòng tròn bất tử là bức tường sống đã, đang và sẽ mãi trường tồn trong trái tim của các thế hệ người Việt. Vòng tròn bất tử nhắc thế hệ mai sau không được quên Gạc Ma, không được quên 64 người con kiên trung của dân tộc. Và hơn cả là không được quên một phần máu thịt của Tổ quốc đang bị ngoại bang chiếm đóng. Cùng với quần đảo Hoàng Sa, nhất định một ngày nào đó Gạc Ma sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam”, ông Dần nhắn nhủ.

Thay đồng đội chăm sóc mẹ già

Bao trùm buổi giao lưu là một chữ “Tình”. Đó là tình của những người đồng đội cũ, tình của các thân nhân gia đình liệt sĩ và cũng là tình của những người dù chưa từng quen biết nhưng chính nỗi đau Gạc Ma đã khiến họ xích lại gần nhau.

Câu chuyện về liệt sĩ Phan Tấn Dư, người thay cựu binh Nguyễn Văn Dũng làm nhiệm vụ tại Gạc Ma năm 1988 rồi hy sinh đã khiến cho những người có mặt trong hội trường nghẹn ngào.

“Trở về từ quân ngũ, tôi đau đáu tìm lại mẹ của Dư để thay anh làm trọn chữ hiếu. Mất khoảng bốn năm tôi mới tìm được mẹ. Lần đầu tiên gặp tôi, mẹ òa khóc nức nở. Mẹ ôm chặt tôi rồi thổn thức gọi Dư của mẹ, con của mẹ đã về đấy ư? Tôi bảo không, con là đồng đội của Dư, xin mẹ hãy coi con như con trai của mẹ. Con nguyện dành phần đời còn lại của mình để bù đắp và chăm sóc mẹ thay Dư. Rồi mẹ im lặng. Tôi chỉ ôm mẹ vào lòng mà khóc”, anh Dũng xúc động nhớ lại.

Các bạn đoàn viên, thanh niên Đà Nẵng lắng nghe những cựu binh kể lại sự kiện Gạc Ma. Ảnh: TÂM AN.

Có mặt trong chương trình, mẹ Lê Thị Muộn (mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự), cũng thổn thức khi nhắc về tấm áo duy nhất mà con trai mẹ để lại: “Đây là chiếc áo mà tui luôn mang mình theo suốt 30 năm qua. Khi mô tui cũng mặc để vơi đi nỗi nhớ con. Bữa nay tui trao lại cho khu tưởng niệm Gạc Ma để phục vụ cho cộng đồng, cho xã hội. Tui tin ở ngoài kia, con tui biết sẽ mừng lắm”.

Tương tự mẹ Muộn, anh Nguyễn Bá Hùng (anh trai liệt sĩ Nguyễn Bá Cường) cũng thay mặt gia đình trao tặng chiếc ba lô của em trai cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Anh chia sẻ: “Về đây được nghe đồng đội của em kể lại những ký ức về em, tôi cảm thấy rất xúc động. Tôi mong rằng kỷ vật này sẽ góp phần giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về hải chiến Gạc Ma, hiểu hơn về sự hi sinh của những người con kiên trung của dân tộc đã vĩnh viễn nằm lại nơi phía chân trời”.

Cũng trong dịp này, BTC chương trình đã trao hai sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 50 triệu đồng tặng bà Trần Thị Ninh (vợ liệt sỹ Gạc Ma Phan Huy Sơn) và cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Lực.

64 liệt sĩ Gạc Ma: Các anh vẫn sống cùng non sông
(PLO)- Sáng 13-3, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng (1984-1988) đã tổ chức lễ cầu siêu cho anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14-3-1988.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới