Việc khánh thành, chính thức đưa vào vận hành Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải đánh dấu một bước phát triển mới của ngành công nghiệp khí Việt Nam, hòa cùng xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Để tiếp nối bước khởi đầu quan trọng đó, cũng như hiện thực hóa giai đoạn 2 của dự án nhằm nâng công suất kho lên 3 triệu tấn/năm, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong mong muốn có cơ sở pháp lý vững vàng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG, đảm bảo phát triển kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công trình Kho LNG 1 MMPTA Thị Vải vừa được khánh thành và đưa vào vận hành thương mại trong chuỗi cung ứng LNG của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nói riêng và ngành năng lượng Việt Nam nói chung?
Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong: Việc đưa Kho LNG Thị Vải vào vận hành thương mại để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 55/NQ-BCT của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam trong đó nhấn mạnh đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên phát triển điện khí được cụ thể hóa thông qua thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ các nhiên liệu truyền thống cho phát điện khác sang khí tự nhiên. Việc nhập khẩu LNG đã bổ sung nguồn năng lượng mới, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia trên lộ trình thực hiện thành công cam kết tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình hiện thực hóa “Cam kết Xanh” của Việt Nam với thế giới.
Hiện nay, Kho LNG Thị Vải là kho LNG đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để vận hành thương mại. Với những ưu điểm, lợi thế nêu trên và nhằm đảm bảo duy trì cung cấp khí cho các khách hàng hiện hữu và các dự án nhà máy điện mới, PV GAS đang triển khai các thủ tục để nâng cấp hệ thống Kho cảng LNG Thị Vải lên công suất 3 triệu tấn/năm tương đương 4,2 tỷ m3 khí/năm, trở thành kho LNG trung tâm, là mắt xích quan trọng, là nguồn cung cấp năng lượng lớn cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
. Là một lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa từng có tại Việt Nam nên hiện nay các cơ chế chính sách cho LNG vẫn chưa hoàn thiện, PV GAS có đề xuất gì đến Chính phủ và các Cơ quan Nhà nước có liên quan nhằm phát triển bền vững và hiệu quả ngành công nghiệp LNG tại Việt Nam?
+ Với mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng của quốc gia trên lộ trình chuyển dịch năng lượng xanh của Chính phủ, PV GAS mong muốn Nhà nước chấp thuận chủ trương bổ sung LNG là nguồn khí thay thế khi nguồn khí nội địa đang suy giảm, cần có cơ chế chuyển ngang bao tiêu khối lượng khí và giá khí LNG tái hóa cùng với các quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền phê duyệt nguyên tắc xác định giá LNG nhập khẩu, phân phối LNG... để có cơ sở ký kết hợp đồng mua bán khí LNG tái hóa với các nhà máy điện.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững thì hệ thống hạ tầng điện khí LNG của Việt Nam cần được phát triển theo mô hình kho LNG trung tâm (LNG Hub), do đó cần phát triển hạ tầng LNG nhằm tận dụng năng lực tài chính, kinh nghiệm, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng hiện có để phát triển hệ thống hạ tầng nhập khẩu và phân phối LNG của quốc gia.
Đối với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành LNG, PV GAS đề xuất các bộ, ngành tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn/tiêu chuẩn về lĩnh vực LNG nhằm đảm bảo thống nhất mặt bằng kỹ thuật đối với các chuỗi LNG.