Ngày 29-10, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, PV GAS đã tổ chức lễ khánh thành kho LNG 1 triệu tấn (MMTPA) Thị Vải. Sự kiện đánh dấu một trang phát triển mới trong “Hành trình năng lượng xanh” của PV GAS.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PV GAS đã chia sẻ về định hướng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
. Ông có thể chia sẻ về mục tiêu phát triển chuỗi giá trị LNG của PV GAS?
+ Ông Nguyễn Thanh Bình: Việc triển khai các dự án điện khí LNG sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn cho mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) thì định hướng đến năm 2050 Việt Nam không còn sử dụng than cho phát điện, theo đó vai trò chạy nền của các nhà máy điện khí trong hệ thống điện là tất yếu vì là nguồn điện duy nhất không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió và điện mặt trời.
Ngoài ra, đưa LNG vào sử dụng cũng góp phần hoàn thành các cam kết của Chính phủ tại COP26 và phù hợp với xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải trên phạm vi toàn cầu.
Điều này đã được khẳng định trong các chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ Việt Nam như Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch điện VIII… Các văn bản này đều nhấn mạnh ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng LNG.
Với vị thế tiên phong, PV GAS thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sở hữu và vận hành hệ thống khí hoàn chỉnh từ khâu thu gom, tàng trữ, chế biến đến kinh doanh khí và các sản phẩm khí.
PV GAS sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng làm tiền đề để mở rộng hoạt động cung ứng và kinh doanh LNG. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành doanh nghiệp số 1 của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng và cung ứng LNG.
. Những dự án mà PV GAS đã, đang và sẽ thực hiện để cụ thể hóa mục tiêu trên là gì, thưa ông?
+Hiện nay, giai đoạn 1 của công trình Kho cảng LNG Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành và giai đoạn 2 sẽ sớm được triển khai nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm. PV GAS cũng đang đầu tư xây dựng Kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ tại tỉnh Bình Thuận. Cơ sở hạ tầng LNG của PV GAS sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ trong tương lai.
Ngoài ra, PV GAS sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng và hệ thống vận chuyển LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) cung cấp nguồn khí tái hóa cho các Trung tâm Nhiệt điện khí vệ tinh trên toàn quốc”. Để có thể phát triển theo mô hình này, Nhà nước cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp Nhà nước hoặc Nhà nước nắm cổ phần chi phối như PVN, PV GAS, là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp khí cũng như những am hiểu nhất định về thị trường.
Thực tế, việc phát triển LNG Hub đã và đang được các nước trong khu vực và trên thế giới triển khai thành công và đảm bảo hiệu quả tổng thể như: Tập đoàn PTT- Thái Lan, Công ty Singapore LNG (SLNG) - Singapore, Công ty KOGAS - Hàn Quốc, các tập đoàn lớn của Nhật như Tokyo Gas, Osaka Gas...
. Ông đánh giá như thế nào về các cơ hội và thách thức liên quan đến triển khai thực hiện chiến lược này thời gian tới cũng như hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII?
+ Cơ hội đó là hiện nay nhu cầu về LNG là tất yếu, không thể đảo ngược. Tuy nhiên đi kèm đó là thách thức. Theo Quy hoạch điện VIII, sau năm 2035 sẽ không phát triển nguồn LNG mới, do đó chúng ta chỉ còn hơn 10 năm để triển khai các dự án về LNG, trong khi đó cơ chế chính sách hiện còn chưa hoàn thiện để cho phép doanh nghiệp/chủ đầu tư chủ động triển khai các dự án điện khí LNG.
Ví dụ, đối với Quy hoạch điện VIII, Chính phủ/Bộ Công Thương cần ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch một cách khả thi để các địa phương, nhà đầu tư có căn cứ triển khai.
Chúng tôi cho rằng, đây là thời điểm “vàng” để Việt Nam có thể hiện thực hóa kế hoạch nhập khẩu LNG thông qua Quy hoạch điện VIII. Để làm được điều này, các doanh nghiệp trong nước rất cần một hành lang pháp lý phù hợp nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch.
.Xin cảm ơn ông!