Cùng với việc chính thức thừa nhận nguyên tắc “bất khẳng thụ lý” (tòa án không được từ chối thụ lý giải quyết tranh chấp của các đương sự), pháp luật Việt Nam đã ghi nhận những loại nguồn khác nhau làm cơ sở cho tòa giải quyết các vụ, việc dân sự.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, nhà làm luật đã quy định về việc áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử vụ, việc dân sự.
Thứ tự ưu tiên áp dụng các loại nguồn của pháp luật
Điều 5 và Điều 6 BLDS năm 2015 xác định thứ tự ưu tiên áp dụng các loại nguồn của pháp luật trong hoạt động xét xử vụ, việc dân sự của tòa án: I. quy phạm pháp luật, ii. tập quán, iii. áp dụng tương tự pháp luật, iv. các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, v. án lệ, vi. lẽ công bằng.
Lẽ công bằng được xem là loại nguồn cuối cùng được áp dụng khi các nguồn khác đã được sử dụng nhưng không phát huy được hiệu quả của việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người trong pháp luật dân sự.
Về mặt nhận thức, lẽ công bằng được hiểu là đúng lẽ phải, phù hợp với những chuẩn mực chung của xã hội và được sự đồng thuận của mọi người. Lẽ công bằng cũng có thể là sự phù hợp với đạo đức, phong tục, thói quen, phù hợp với lợi ích của cộng đồng nói chung. Điều 45 BLTTDS năm 2015 cũng quy định: “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ, việc dân sự đó”.
Với quy định của pháp luật vừa nêu thì xác định lẽ công bằng chung chung trong các phán quyết của tòa án là một công việc khó khăn. Lẽ công bằng trong các phán quyết của tòa án bao giờ cũng phải cụ thể. Một phán quyết có chứa đựng trong nó lẽ công bằng hay không chỉ có thể nhận diện được một cách rõ ràng tại những thời điểm nhất định theo quy luật thời gian. Như vậy, có hai phạm trù luôn tồn tại khách quan và ảnh hưởng đến lẽ công bằng trong một phán quyết của tòa án, đó là không gian và thời gian.
Lẽ công bằng trong một phán quyết tồn tại trong một không gian và thời gian nhất định (có thể ngắn hoặc dài) nhưng có một điều chắc chắn là nó không tồn tại ngoài không gian và thời gian cụ thể. Lẽ công bằng trong phán quyết của tòa án chính là bản án, quyết định đó phù hợp với lẽ phải và lương tâm, được sự tán đồng của đa số cộng đồng mà phán quyết ảnh hưởng.
Giả sử sau khi tòa xét xử sơ thẩm, trường hợp đủ căn cứ để kháng cáo, kháng nghị thì khi giải quyết theo lẽ công bằng, liệu đương sự có quyền kháng cáo, VKS có quyền kháng nghị không?
Trách nhiệm pháp lý của thẩm phán
So với các loại nguồn khác thì văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là loại nguồn được ưu tiên áp dụng đầu tiên. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc áp dụng VBQPPL để giải quyết tranh chấp dân sự lại không đảm bảo công lý. Ngược lại, áp dụng lẽ công bằng thì mới đảm bảo công lý. Thế nhưng, liệu tòa án có “dũng cảm” áp dụng lẽ công bằng mà bỏ qua các quy tắc xử sự chung chứa đựng trong VBQPPL?
Mặc dù ngạn ngữ Latinh có câu “lex iniusta non est lex”, tức “luật không công bằng thì không phải là luật” nhưng áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử là một điều quá mới mẻ với truyền thống pháp lý lẫn thực tiễn xét xử của Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về nguyên tắc áp dụng VBQPPL đang có hiệu lực pháp luật. Trong tương quan này, lẽ công bằng sẽ không được áp dụng dẫu biết rằng phán quyết của tòa án có thể không thấu tình, đạt lý. Ngoài ra, nếu thẩm phán ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đây có thể hiểu việc áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử sẽ không thể trở thành hiện thực vì bị ngăn cản bởi quy định của pháp luật thành văn.
Theo Điều 103 Hiến pháp năm 2013 thì khi xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Như vậy, khi không có điều luật để áp dụng và chỉ giải quyết theo lẽ công bằng thì thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là như thế nào? Đồng thời, giả sử sau khi tòa xét xử sơ thẩm, trường hợp đủ căn cứ để kháng cáo, kháng nghị thì khi giải quyết theo lẽ công bằng, liệu đương sự có quyền kháng cáo, VKS có quyền kháng nghị không? Câu hỏi này cũng không dễ trả lời nhưng chắc chắn nó là một thách thức không nhỏ trong tiến trình áp dụng lẽ công bằng vào hoạt động xét xử.
Điều kiện áp dụng lẽ công bằng
Qua tham khảo thực tế các phán quyết có viện dẫn lẽ công bằng thì hầu như các phán quyết này đều dựa trên nền tảng quy phạm pháp luật, tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, án lệ, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Trong các trường hợp này, lẽ công bằng được sử dụng với tính chất là một thuộc tính của các loại nguồn khác chứ không phải với tính chất là loại nguồn cuối cùng được áp dụng độc lập theo như mong muốn của nhà làm luật.
Những thách thức phải vượt qua
Xét một cách toàn diện, loại nguồn pháp luật nào cũng có cả tính ưu việt lẫn hạn chế và việc sử dụng loại nguồn nào cũng phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan lẫn chủ quan. Chính vì vậy, việc thừa nhận và sử dụng đa dạng các loại nguồn của pháp luật (trong đó có lẽ công bằng) là điều cần thiết.
Muốn giải quyết tranh chấp dân sự theo lẽ công bằng thì cần phải trăn trở, suy tư về vụ, việc đó. Vì vậy, việc áp dụng lẽ công bằng buộc phải đặt trong một vụ, việc cụ thể, gắn với các sự kiện pháp lý nhất định. Chính vì phải đặt trong một vụ, việc cụ thể, gắn với các sự kiện pháp lý nhất định nên vấn đề áp dụng lẽ công bằng mới trở nên chính xác, thấu đáo. Nói cách khác, lẽ công bằng được áp dụng là kết quả của việc giải quyết một tranh chấp nhất định mà theo phân công chức năng trong bộ máy nhà nước thì chính tòa là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Chỉ có xuất phát từ những vụ, việc thực tế thì đòi hỏi áp dụng lẽ công bằng mới trở nên cấp thiết. Khi “đáo tụng đình”, hai bên tranh chấp luôn có động cơ rõ ràng để thúc đẩy vụ, việc đi đến tận cùng. Vì lẽ đó, tòa với vai trò cầm cân nảy mực phải áp dụng các loại nguồn khác nhau để giải quyết một cách khách quan, công minh nhằm đưa vụ, việc đó đến chân lý cuối cùng. Quá trình giải quyết vụ, việc dân sự cẩn trọng, công minh đòi hỏi tòa sử dụng đến lẽ phải, tính khách quan, tính hợp lý để giải quyết - tức là áp dụng lẽ công bằng để giải quyết. Tuy nhiên, để đáp ứng được những kỳ vọng này thì vẫn còn đó những thách thức cần phải vượt qua nhằm đảm bảo cho việc áp dụng lẽ công bằng trong thực tiễn xét xử vụ, việc dân sự của tòa án.•
Chuyển đổi số sâu rộng, đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với tòa án
Tôi trân trọng những cống hiến thầm lặng, tích cực của các thế hệ cán bộ, thẩm phán của TAND quận Bình Tân; đồng thời luôn không ngừng phấn đấu, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của hệ thống TAND, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng.
Là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với TAND quận Bình Tân là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm công vụ gắn với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Cụ thể, TAND quận Bình Tân tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, đảm bảo nguyên tắc tư pháp, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ cho thư ký, thẩm phán; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.
TAND quận Bình Tân sẽ chú trọng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số sâu rộng nhằm công khai, minh bạch, liêm chính, đảm bảo sự giám sát của nhân dân trong hoạt động của tòa án: Tăng cường xét xử trực tuyến và công khai bản án; tiếp tục đóng góp tình huống pháp lý để hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo tòa án; tiến tới góp phần xây dựng hoàn thiện “tòa án điện tử” để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Ông NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC, Chánh án TAND quận Bình Tân, TP.HCM