Đây là một trong những nội dung được nêu trong chỉ thị của Thủ tướng về việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HS-SV) với các bộ, ngành liên quan.
Chỉ thị nêu, thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV đã đạt được những kết quả tích cực. Phần lớn HS-SV có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh… Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HS-SV chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống hiện nay vẫn còn nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ.
Nhiều học sinh bị ảnh hưởng bởi lối sống xã hội hiện nay. (Ảnh minh họa)
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa sâu sát, quyết liệt; chưa phát huy tốt vai trò của cán bộ, nhà giáo, HS-SV, phụ huynh, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội và chính quyền địa phương trong quản lý các nhà trường.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số thầy, cô giáo chưa thực sự là tấm gương về đạo đức, lối sống; nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống chậm đổi mới, chưa phù hợp với thực tiễn…
Do đặc thù tâm lý lứa tuổi, nếu không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập, các mối quan hệ xã hội sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện chủ trương “dạy chữ” đi đôi với “dạy người”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và trải nghiệm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; khuyến khích cán bộ, nhà giáo, HS-SV xây dựng các bài giảng, video clip, hình ảnh, bài viết về giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.
Đồng thời, hướng dẫn HS thực hiện năm Điều Bác Hồ dạy phù hợp với lứa tuổi.
Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện. Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục đạo đức, các môn học chính khóa và các hoạt động giáo dục khác có liên quan; các cơ sở đào tạo giáo viên chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo giáo viên về đạo đức nhà giáo.