Một cảnh sát giao thông thua kiện nữ chủ tịch xã

Ngày 4-7, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng liên quan đến việc nhận xét đối với một cán bộ ngành công an.

Nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Phương (SN 1984, CSGT thuộc đội Bến Thành, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP.HCM). Hai bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim Loan (tổ trưởng tổ 9, ấp 4A, xã Bình Mỹ) và bà Đỗ Thị Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Trước đó ngày 30-11-2018 TAND huyện Củ Chi đã xử sơ thẩm tuyên bác yêu cầu của ông Phương, sau đó ông này kháng cáo.

Tại tòa, đại diện VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. 

HĐXX tuyên án chiều 4-7. Ảnh: MINH VƯƠNG

VKS nhận định thái độ ỷ quyền việc ông Phương mặc sắc phục cảnh sát quay phim, chụp hình cùng gia đình có hành vi cản trở tổ công tác của xã khi giải quyết tranh chấp về đường mương thoát nước. Về điều này, nhận xét của địa phương là đúng.

Trong số bốn góp ý cho cả ông Phương và gia đình chỉ có đánh dấu chứ không giải thích. Trong số những góp ý này có những góp ý đúng cho gia đình nhưng lại không đúng đối với ông Phương.

Cụ thể, về tham gia sinh hoạt tổ dân phố có sự đánh giá của 17 thành viên trong tổ xác nhận ông Phương không tham gia. Về đạo đức lối sống, ông Phương nhận xét là quan hệ với quần chúng nhân dân là chưa tốt là do đi học đi công tác ít về địa phương. Theo VKS với tư cách là một chiến sĩ công an nên có lý do chính đáng, vì vậy nhận xét đối với ông Phương có phần đúng và có phần sai.

Xét phiếu góp ý nhận xét 2017 là cơ sở để đánh giá cán bộ để nhận xét thi đua. Theo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP.HCM thì phiếu góp ý không phải là căn cứ nhận xét thi đua. Trong khi theo trình bày của nguyên đơn phiếu góp ý này là nguyên nhân khiến ông bị hạ bậc thi đua, không được xét chiến sĩ tiên tiến và bị thuyên chuyển công tác thường xuyên.

Đại diện VKS cho rằng nguyên đơn không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa phiếu góp ý năm 2017 và việc bị hạ bậc thi đua, bị thuyên chuyển công tác có liên quan đến nhau. Do đó, không có cơ sở phiếu góp ý là nguyên nhân khiến nguyên đơn bị ảnh hưởng đến quá trình công tác.

Về thiệt hại, nguyên đơn cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh như  mất mát đau thương về tình cảm, bị bạn bè xa lánh. Thu nhập trước và sau khi có phiếu góp ý cũng  không thay đổi. Nguyên đơn không bị thiệt hại thực tế và tổn thất về tinh thần nên không thể phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định nguyên đơn phải chứng minh phiếu góp ý gây thiệt hại thực tễ cho nguyên đơn. Mặt khác, tại văn bản trả lời cho TAND huyện Củ Chi của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, công an TP.HCM trả lời phiếu góp ý không phải là căn cứ xét thi đua. Như vậy, yêu cầu của ông Phương đưa ra là không có căn cứ.

Hơn nữa, tại phiên toà phúc thẩm ông Phương không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc thiệt hại thực tế phát sinh hay chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất từ việc bị đơn nộp phiếu góp ý. Do đó, HĐXX quyết định bác yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Nội dung vụ án

Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Công an TP.HCM lấy ý kiến nhận xét của địa phương đối với cán bộ trong ngành công an, ông Phương đã nộp phiếu để địa phương cho ý kiến. Đến tháng 10-2017, khi nhận lại phiếu kết quả đánh giá, ông thấy phiếu có nội dung nhận xét là: “Có thái độ hách dịch, xem thường mọi người xung quanh, quan hệ với nhân dân chưa tốt, lãng phí, không tham gia sinh hoạt tổ nhân dân...”.

Cho rằng nhận xét không đúng sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, ông Phương khởi kiện hai người ký vào bản nhận xét mình. Ông cho biết việc tham gia công tác sinh hoạt tại địa phương, nơi cư trú của ông và gia đình đều tốt.

Bị đơn - bà Nguyễn Thị Kim Loan, tổ trưởng tổ 9 trình bày bà và người dân trong tổ nhận thấy ông Phương và gia đình không tham gia các cuộc họp tại địa phương, mối quan hệ với nhân dân không tốt. Khi có đám, ông Phương đã mở nhạc lớn, gây ồn ào khu vực xung quanh. Người nhà ông Phương đã xây nhà khi chưa được cấp phép, không tự nguyện tháo dỡ mà phải cưỡng chế. Bà Loan khẳng định nội dung đánh giá của bà là đúng.

Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Đỗ Thị Thanh Thúy thì cho rằng nhận xét này là dựa trên biên bản họp và phiếu đánh giá của bà Loan gửi, trong đó ghi nhận sự đánh giá, đóng góp ý kiến của người dân chứ không phải chỉ riêng cá nhân mình. Bà Thúy xác nhận mình đã đóng dấu trên phiếu góp ý này.             

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm