Một công ty thua kiện 228 tỉ đồng

Công ty Vĩnh Tường còn phải chịu thuế giá trị gia tăng trên tổng số tiền 228 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp để Công ty Vĩnh Thiện đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Theo hồ sơ, trước đây Công ty Vĩnh Tường thiếu nợ ngân hàng 188 tỉ đồng và đã đến hạn trả. Tài sản thế chấp là hai thửa đất rộng khoảng 4.000 m2, tài sản gắn liền trên đất là một nhà hàng - khách sạn 16 tầng (bốn sao) tại TP Biên Hòa. Để giải quyết tình hình, lãnh đạo công ty họp, bầu bà Nguyễn Thị Bích Hạnh làm phó giám đốc để bà Hạnh dùng mối quan hệ cá nhân vay tiền trả ngân hàng.

Sau đó, bà Hạnh được một công ty nước ngoài tại Việt Nam đồng ý cho vay hơn 209 tỉ đồng trong thời gian chín tháng để Công ty Vĩnh Tường trả nợ. Đổi lại, hội đồng thành viên Công ty Vĩnh Tường đã ủy quyền bằng văn bản cho bà Hạnh được toàn quyền đại diện công ty làm thủ tục xóa thế chấp, quản lý, sử dụng… hai thửa đất cùng nhà hàng - khách sạn.

Quá hạn vay, Công ty Vĩnh Tường không trả tiền gốc, lãi cho bên cho vay nên tháng 7-2012, bà Hạnh phải bán khối tài sản trên cho Công ty Vĩnh Thiện với giá 228 tỉ đồng để lấy tiền trả nợ. Sau đó, phía Công ty Vĩnh Tường không chịu giao tài sản (lúc này bà Hạnh đã nghỉ làm) nên cuối năm 2012, Công ty Vĩnh Thiện khởi kiện yêu cầu tòa công nhận việc mua bán và buộc Công ty Vĩnh Tường phải giao khối tài sản này.

Phía Công ty Vĩnh Tường thì phản tố, yêu cầu tòa hủy hợp đồng mua bán bởi cho rằng bà Hạnh tự ý bán tài sản vượt phạm vi ủy quyền, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của mình. Công ty Vĩnh Tường còn cho rằng bà Hạnh làm giả hợp đồng vay tiền với công ty nước ngoài để chiếm đoạt…

Sau nhiều lần hoãn xử, gần đây TAND tỉnh đã mở phiên tòa vắng mặt đại diện Công ty Vĩnh Tường (đã triệu tập hợp lệ hai lần nhưng không đến). Theo tòa, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thì xuất phát từ việc thiếu nợ ngân hàng, phía bị đơn mới bầu bà Hạnh làm phó giám đốc và giao tài sản thế chấp để bà tìm cách xử lý nợ. Bà Hạnh vay tiền của công ty nước ngoài để trả nợ ngân hàng giúp bị đơn. Sau đó bị đơn không trả cho đơn vị cho vay nên bà Hạnh phải bán tài sản để trả nợ là phù hợp với nghĩa vụ. Phía bị đơn cho rằng hợp đồng vay tiền thực chất là hợp đồng hợp tác kinh doanh trò chơi có thưởng là không có căn cứ bởi giấy phép kinh doanh của bị đơn không có lĩnh vực kinh doanh này, bị đơn cũng không có gì chứng minh hợp đồng đó là giả. Về hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa nguyên đơn và bị đơn, tòa nhận xét được tiến hành đúng trình tự, thủ tục luật định. Thời điểm đó bà Hạnh có đủ quyền và cơ sở pháp lý để định đoạt tài sản của bị đơn...

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm