“Nông sản Việt Nam đang giống như một cô gái danh giá, chờ người ta đến nhà mua đi". VnEconomy dẫn lời một thương lái ví von như vậy tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) diễn ra hôm qua, 5-6. Diễn đàn do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng tổ chức.
"Nông sản Việt như cô gái danh giá"
Bằng con mắt và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình đưa nông sản Việt ra nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thành Thực đưa ra ví dụ rất điển hình cho những tồn tại, hạn chế mà nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải.
"Tôi là một thương lái, một thương lái nhỏ chứ không phải là doanh nghiệp lớn. Tôi là con nhà nông và trong suốt hơn 20 năm làm công việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tôi nhận thấy rằng muốn bán hàng thì phải đi chợ. Tuy nhiên, nông sản Việt Nam đang giống như một cô gái danh giá, chờ người ta đến nhà mua đi", bà Thực ví von.
Thương lái này cho biết hiện trên thế giới Trung Quốc được coi là chợ quy mô lớn, có nhu cầu đa dạng nhưng doanh nghiệp nông sản Việt, thương lái Việt lại không hề có một gian hàng nào mà chỉ ngồi ở nhà bán.
Trong khi đó, về phía Trung Quốc, họ không chỉ đi chợ mà còn hiểu rất rõ thị trường mà họ đang hướng đến, thậm chí còn hiểu hơn những gì mà người Việt Nam biết về sản phẩm của mình.
"Thương lái Trung Quốc biết ở Việt Nam có những gì ngon nhất, ở vùng nào, thời điểm nào thì thu hoạch. Họ đến tận những vùng sâu nhất, xa nhất, hay những ngõ ngách của Việt Nam để thu mua, điều mà thương lái Việt Nam chẳng mấy ai làm được. Chính vì thế trước đây, có những ngày tôi bán được 200 tấn vải thiều sang Trung Quốc nhưng bây giờ thì không", bà nói.
Việc thương lái Trung Quốc đến tận nơi để thu mua không chỉ giúp họ chủ động được thị trường, chủ động nguồn cung mà còn mua được sản phẩm với giá rẻ, nhất là các sản phẩm xuất thô của Việt Nam, để từ đó người Trung Quốc chế biến lại và xuất khẩu sang các thị trường khác với giá cao.
Thậm chí, theo bà Thực, các thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng bỏ vốn đầu tư để đặt nhà máy chế biến tại Việt Nam sau đó xuất đi các nước khác.
"Người dẫn dắt thị trường là vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta dẫn dắt được khâu bán hàng thì chúng ta sẽ dẫn dắt được khâu sản xuất và tiêu thụ. Người Trung Quốc họ làm thương mại rất giỏi, họ là đối tác lớn nhất nhưng cũng là đối thủ lớn nhất của Việt Nam, cho nên họ mà được mùa thì dù chúng ta có được mùa, chúng ta cũng vẫn thua, vì chúng ta bị động về chiến lược và không làm giá được", bà Thực nhận định.
Thương lái Nguyễn Thị Thành Thực cho rằng dẫn dắt được khâu bán hàng thì sẽ dẫn dắt được khâu sản xuất và tiêu thụ
Rất đáng tiếc cho Việt Nam
Không chỉ đề cập đến vấn đề chủ động tìm kiếm thị trường, thương lái này còn đưa ra một ví dụ khác làm minh chứng cho vấn đề chất lượng nông sản đang bị xem nhẹ.
VnEconomy dẫn lời thương lái Nguyễn Thị Thành Thực cho biết khoai lang tím là mặt hàng rất tiềm năng, có thể trở thành ngành hàng tỉ USD của Việt Nam. Hiện nay, bà Thực đã thu mua và xuất khoai lang tím sang Trung Quốc, tuy nhiên lại không thể phát triển được ngành hàng này. Khó khăn chính nằm ở chất lượng sản phẩm.
"Ngày xưa, khoai lang có thể để vài tuần, cả tháng mà không mọc mầm nhưng khoai lang hiện nay nếu không bảo quản lạnh thì chỉ để được một tuần là mọc mầm. Nguyên nhân là do nông dân của chúng ta sử dụng chất kích thích. Chúng ta có đủ khả năng cung cấp hàng ngàn tấn khoai lang mỗi ngày nhưng rất đáng tiếc...", vị thương lái này cho biết.
Bàn về giải pháp để thay đổi thực trạng này, chung quan điểm với các chuyên gia về việc tăng cường nhận thức cho người nông dân, bà Thực cho rằng còn cần phải đẩy mạnh việc "đi chợ", cụ thể là tăng cường giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại các hội chợ quốc tế, mở các gian hàng để trưng bày, tiếp cận và nắm bắt nhu cầu thị trường các nước.
"Tôi nói thật, Trung Quốc vừa là đối tác nhưng vừa là đối thủ lớn nhất của nông sản Việt Nam. Nếu họ được mùa nông sản, Việt Nam cũng được mùa thì chúng ta vẫn thua họ và giá của nông sản Việt vẫn rẻ hơn họ. Kinh nghiệm hơn 10 năm làm thị trường này tôi nhận thấy trong chuỗi sản xuất, cung ứng và chế biến, Việt Nam thua Trung Quốc 20 năm là ít nhất", thương lái Nguyễn Thị Thành Thực. |
Ví dụ "đau lòng”
Đại diện một doanh nghiệp đến từ Thái Lan đã chỉ ra thực tế đau lòng trong ngành nông nghiệp Việt. Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch điều hành cấp cao Tập đoàn Central Group (Thái Lan), cho rằng Việt Nam có nhiều loại nông sản ngon, lợi thế cạnh tranh mà các nước không có được.
Dẫn chứng ngay quả vải thiều, năm ngoái Central Group khảo sát tại thị trường Thái Lan, 90% người tiêu dùng được hỏi đều khẳng định vải thiều Việt Nam ngon hơn vải Thái Lan. Đó chính là lý do tập đoàn này quyết định nhập khẩu vải thiều từ Việt Nam về Thái Lan bán và rất thành công.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp đến từ Thái Lan cũng cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong vấn đề chất lượng.
"Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn còn tìm hoặc chưa tìm hiểu thấu đáo hay chưa cập nhật các quy định, dẫn đến chất lượng sản phẩm không đảm bảo. Điều này gây tổn thất đến uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp và hình ảnh Việt Nam", ông Hải nói.
Đại diện doanh nghiệp Thái Lan cũng đưa ra một ví dụ khác "đau lòng" không kém là trong sản xuất chăn nuôi. Nếu như ở Thái Lan, 500 con gà trở xuống là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình thì ở Việt Nam 90% nằm trong số này, kém Thái Lan 10 lần.
"Bên cạnh đó, ở Thái Lan hơn 70% hộ có sức nuôi từ 5.000 con gà ở trên. Trong khi đó, ở Việt Nam có 8 triệu điểm chăn nuôi, nhưng quy mô từ 100 đến 1.000 con chỉ chiếm 3%, trên 1.000 con chỉ 0,2%. Điều đó cho thấy quy mô và năng suất hiệu quả các nông trại ở Thái Lan hơn hẳn Việt Nam nên các sản phẩm dễ dàng cạnh tranh trên trường quốc tế", ông nói tiếp.
Từ đó, đại diện doanh nghiệp Thái Lan góp ý doanh nghiệp Việt cần ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, như công nghệ sinh học tự động hóa, công nghệ cao trong thu hoạch chế biến.
Ngoài ra, cũng cần tập trung nghiên cứu nhu cầu của thị trường nhập khẩu, tâm lý người tiêu dùng mục tiêu, đầu tư kỹ thuật tiên tiến, giá tăng thêm giá trị cho sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm và tăng thêm giá trị xuất khẩu.
Rất nhiều thương lái Trung Quốc tham gia mua trái vải Lục Ngạn, Bắc Giang- ảnh minh họa
Từ chuyện tiến sĩ xuất khẩu mắm tôm Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng con át chủ bài của nông nghiệp Việt Nam là chuẩn chất và giá trị gia tăng. "Nông dân và doanh nghiệp của chúng ta ít tiêu chuẩn quá, nhất là tiêu chuẩn quốc tế", chuyên gia này nói. Bà dẫn câu chuyện thực tế tại An Giang vốn là một nơi nổi tiếng nề nếp, người nông dân làm ăn lớn. Bà đã hỏi những doanh nghiệp tại đây câu hỏi "Tiêu chuẩn của các anh là gì" thì họ cho biết không có tiêu chuẩn nào cả. "Họ nhấn mạnh chúng tôi thật thà lắm, chị phải tin tôi chứ. Tôi nói không được, các anh làm quốc tế phải có tiêu chuẩn, cam kết bằng giấy tờ", bà Hạnh kể. Bà Hạnh cũng dẫn ra câu chuyện khác một doanh nghiệp xuất khẩu mắm tôm. Họ làm mọi thứ đều tiến triển ổn định, có chứng nhận đầy đủ. Lý do là doanh nghiệp này chị giám đốc là tiến sĩ về chế biến thực phẩm ở Nga, có kinh nghiệm xây dựng chỉn chu ngay từ đầu. Vấn đề tiếp theo đặt ra là chế biến nông sản. "Khi chế biến có hai vấn đề, đó là nghiên cứu thị trường và nghiên cứu sản phẩm", bà nói. "Chốt lại, tôi muốn nhấn mạnh chúng ta chỉ cần lập một nhóm nghiên cứu thị trường làm thiết thực và tổ chức những nhóm chuyên gia trẻ đi các hội trợ quốc tế uy tín, hai giải pháp này theo tôi nếu làm được sẽ rất có lợi cho người dân", bà kết luận. |