Một người bị oan, cả gia đình bị thiệt hại

Vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm nóng phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào sáng 21-4. Đây là phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTNN, sửa đổi).

Hai luồng quan điểm

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, các đoàn đại biểu QH có hai loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất là tán thành với quy định tại Điều 27, theo đó chỉ giới hạn bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người thân thích của người bị thiệt hại (tức người bị oan) trong trường hợp người bị thiệt hại chết.

Loại ý kiến thứ hai là đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan ngay cả khi người bị oan còn sống. Mức bồi thường trong trường hợp này có thể bằng 1/2 hoặc 1/3 mức bồi thường cho bản thân người bị oan.

Ý kiến này cũng cho rằng người thân thích của người bị oan cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị oan còn sống hay đã chết. Ngoài ra, thực tế cũng đã có trường hợp thân thích của người bị oan được bồi thường (dù người bị oan vẫn còn sống) nên kiến nghị cần quy định vấn đề này trong luật.

Ông Định cho hay dự thảo đang thể hiện theo hướng kế thừa quy định của luật hiện hành, để phù hợp với quy định tại Điều 591 BLDS, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Về bản chất, đây là khoản tiền bồi thường cho người bị oan nhưng do người đó đã chết nên những người thừa kế được hưởng.

Trong những năm tháng ông Huỳnh Văn Nén bị tù oan, gia đình , người thân của ông cùng gánh chịu biết bao khổ đau, mất mát. Ảnh: PN

Một người bị oan, cả gia đình bị thiệt hại

Cũng theo vị chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị oan thì phải làm rõ một số vấn đề. Ví dụ mức bồi thường ra sao, bồi thường một khoản cho tất cả người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hay cho từng người thân thích của người bị oan... Chưa kể, nếu hàng thừa kế thứ nhất đã chết, hàng thừa kế thứ hai là người trực tiếp thăm nuôi thì có được xem xét bồi thường cho hàng thừa kế thứ hai này không...

“Do còn có sự khác nhau giữa các quy định của pháp luật hiện hành với thực tiễn áp dụng và ý kiến khác nhau trong quá trình chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định” - ông Định nói. Theo ông, quan điểm của Ủy ban Pháp luật là đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, tức không bồi thường cho người thân thích của người bị oan.

Giải trình thêm về việc này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng nếu quy định bồi thường cho cả người thân thích thì không phù hợp với quy định bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại trong BLDS 2015. Quan hệ pháp luật ở đây không phải là bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết mà là quan hệ thừa kế. “Cơ sở pháp lý để giải quyết bồi thường cho người thừa kế là không có, trái với BLDS” - Bộ trưởng Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Long, Luật TNBTNN hiện hành cũng không quy định về vấn đề này. Kinh nghiệm quốc tế cũng không có nước nào quy định. “Nếu làm vậy sẽ mở rộng đối tượng và cũng không công bằng với những trường hợp khác như xử lý kỷ luật buộc thôi việc công chức, những trường hợp này người thân thích của họ cũng bị ảnh hưởng. Nhà nước cũng phải chi một khoản bồi thường nhiều hơn, không định lượng được số lượng người thừa kế sẽ là bao nhiêu” - bộ trưởng Bộ Tư pháp nói và đề nghị chỉ trình một phương án như dự thảo.

Trong khi đó, Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào cho rằng thực tế cha mẹ, vợ con của người bị oan cũng bị ảnh hưởng, tổn thất nặng nề về tinh thần. Do vậy, ông Hào đề nghị UBTVQH cân nhắc việc này.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng khi một người bị làm oan, bản thân họ và người thân đều bị thiệt hại rất lớn về tinh thần. Gia đình, cha mẹ, vợ con phải chịu nhiều hậu quả, con cái nhiều trường hợp phải bỏ học, thậm chí không loại trừ trường hợp người thân của họ còn tự tử. “Bây giờ thái độ của Nhà nước ta có công nhận thiệt hại của họ không?” - ông Lưu đặt câu hỏi và đề nghị báo cáo trình QH quyết định do còn ý kiến khác nhau.

Giữ người trái pháp luật: Phải bồi thường

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, có nhiều đại biểu QH tán thành việc bổ sung TNBTNN đối với trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Điều này bảo đảm phù hợp với quy định của BLTTHS và thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật TNBTNN.

Ý kiến khác lại đề nghị cân nhắc không bổ sung quy định TNBTNN đối với trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Bởi đây là biện pháp cần xử lý tức thời, phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ông Định cho biết để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức nhưng cũng không gây tâm lý e ngại, ảnh hưởng đến quá trình thực thi công vụ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thống nhất chỉnh lý quy định này theo hướng cụ thể và chặt chẽ hơn. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của BLTTHS và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (khoản 1 Điều 18 của dự thảo luật).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm