Ngày 13-11, báo Công An Nhân Dân tổ chức giao lưu trực tuyến "Giải pháp, lộ trình thay thế sổ hộ khẩu và CMND trong quản lý dân cư”; có sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an), Phòng PC64 Công an TP Hà Nội,…
Buổi giao lưu xoay quanh nội dung của Nghị quyết 112 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Công an, nổi bật là việc bỏ sổ hộ khẩu.
Toàn cảnh buổi giao lưu.
Lạm dụng sổ hộ khẩu
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng C72, cho biết hiện nay việc đăng ký quản lý cư trú đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước. Các cơ quan chức năng căn cứ vào CMND và sổ hộ khẩu để xác định thông tin về công dân, qua đó hoàn tất các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, có các cơ quan lạm dụng việc yêu cầu xuất trình CMND và sổ hộ khẩu, vì vậy Bộ Công an đã kiến nghị với Chính phủ để sớm đơn giản hóa thêm nhiều thủ tục hành chính.
Sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân với 15 trường thông tin được hoàn thiện, công dân khi tới làm việc tại các cơ quan chức năng chỉ cần cung cấp ba thông tin gồm: mã số định danh, họ tên và nơi ở hiện tại. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và đơn giản hóa các thủ tục cho công dân.
Trong thời gian chờ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, công tác đăng ký quản lý cư trú sẽ tiếp tục được thực hiện theo đúng Luật Cư trú. Công dân thường trú, tạm trú ở đâu thì tới cơ quan công an địa phương cấp phường, xã tại đó để đăng ký thường trú, tạm trú như bình thường, không phụ thuộc vào việc cấp mã định danh cá nhân.
Theo Thượng tá Phú, một số cơ quan đang lạm dụng việc yêu cầu công dân xuất trình CMND và sổ hộ khẩu.
Thủ tục cấp mã số định danh
Thượng tá Phú cho hay việc cấp số định danh cá nhân sẽ thực hiện theo ba hướng.
Thứ nhất, đối với trẻ em mới sinh, thông qua thủ tục đăng ký khai sinh, cơ quan tư pháp tại các xã, phường, thị trấn trong khi làm thủ tục đăng ký khai sinh sẽ truyền dữ liệu trực tiếp sang Bộ Công an, sau đó Bộ Công an sẽ cấp mã số định danh cá nhân trả về bên tư pháp; bên tư pháp sẽ ghi và in số định danh cá nhân này trên giấy khai sinh.
Thứ hai, thông qua việc công dân làm thủ tục cấp căn cước công dân, sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký cấp căn cước công dân, hệ thống tự động sinh ra số định danh cá nhân và ghi số này lên thẻ căn cước công dân.
Thứ ba, đối với trường hợp không đăng ký khai sinh và không làm thủ tục cấp căn cước công dân, sắp tới Bộ Công an tổ chức thu thập thông tin dân cư, những trường hợp chưa có số thì Bộ Công an sau khi thu thập đủ 15 trường thông tin cơ bản sẽ đồng loạt cấp số định danh cá nhân cho tất cả công dân.
Do vậy, công dân không phải làm thủ tục gì về việc cấp số định danh cá nhân. Khi được cấp số thì không phải nộp lệ phí gì.
Lo sợ mất thông tin cá nhân
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi sau khi có mã số định danh cá nhân, công dân khi đến làm việc với cơ quan nhà nước thì cần cung cấp những thông tin gì? Liệu có xảy ra trường hợp người này đọc mã số định danh của người khác nhằm mục đích riêng hay không?
Phó cục trưởng C72 cho biết hiện nay công dân Việt Nam đang sử dụng hai loại giấy tờ là căn cước công dân hoặc CMND để giao dịch. Khi giải quyết thủ tục hành chính, người dân phải xuất trình một trong hai loại giấy tờ.
Đối với CCCD thì đã có mã số định danh cá nhân, việc dùng mã số này để tra cứu thông tin sẽ giúp công dân loại bỏ kê khai các mẫu đơn, tờ khai như mọi khi.
“Chúng tôi có những biện pháp tránh tình trạng khai thác thông tin của người khác. Công dân chỉ được quyền khai thác thông tin của chính mình chứ không phải cứ dùng một mã số định danh bất kỳ là có thể khai thác thông tin được” -Thượng tá Phú nói.
Phó cục trưởng C72 cho biết Bộ Công an đang triển khai giai đoạn 2 cấp thẻ căn cước công dân.
Không có Internet thì truy cập ra sao?
Một bạn đọc cũng đặt vấn đề hiện nay Internet tại Việt Nam chưa phủ sóng hết, nếu đến nơi nào không có Internet thì quản lý ra sao? Nếu bị lỗi mạng, máy hỏng, đường truyền chậm hoặc bị hack thì sẽ xử lý như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, phó cục trưởng C72 cho hay khi trình dự án, Chính phủ đã đồng ý việc triển khai, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương, từ cấp TP đến huyện, thị xã. Chính phủ cũng có những quy định cụ thể để đảm bảo hạ tầng tốt, lắp đặt đường truyền thông suốt từ trung ương đến địa phương; quy định cả các hình thức khai thác trên Internet và các mạng viễn thông; đảm bảo đường truyền đồng bộ và có phương án dự phòng để đảm bảo việc truyền, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành có liên quan.
Do vậy, công dân có thể yên tâm, không lo việc mất đường truyền và thông tin cũng được an toàn tuyệt đối. Các bí mật về đời tư, cá nhân và gia đình sẽ không bị lộ, lọt; các cơ quan không có thẩm quyền, chức năng thì không được tra cứu. Ngoài ra, cá nhân công dân chỉ được khai thác thông tin của mình, không được phép khai thác, tra cứu thông tin của người khác.
Cấp thẻ căn cước giai đoạn 2
Theo Thượng tá Trần Hồng Phú, Bộ Công an đang tổ chức cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh/thành, còn lại 47 tỉnh vẫn đang cấp CMND. Theo lộ trình, ngày 1-1-2020, cả nước phải thống nhất chuyển sang cấp căn cước cho toàn bộ công dân.
Hiện tại, giai đoạn 2 của dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân theo công nghệ mới” đang được xây dựng. Nếu đảm bảo được điều kiện về kinh phí, hạ tầng kỹ thuật cũng như nhân lực, dự kiến cuối năm 2019 có thể mở rộng việc cấp căn cước công dân ra phạm vi cả nước.
Khó khăn nhất hiện nay là kinh phí xây dựng hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước, đường truyền đến các phương tiện,… rất lớn.; ngân sách nhà nước còn hạn chế.
“Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp, bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an thì dự án sản xuất căn cước công dân mới sẽ được triển khai đúng tiến độ” -Thượng tá Phú nhận định.