Điểm mấu chốt để có thể bỏ sổ hộ khẩu

Theo Nghị quyết 112 của Chính phủ, một số giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an sẽ bị bãi bỏ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân 9 số,... Đây được xem là một quyết định mang tính lịch sử trong cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam.

Điểm mấu chốt để có thể bỏ sổ hộ khẩu ảnh 1
Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết thời điểm bỏ sổ hộ khẩu phụ thuộc vào tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: TUYẾN PHAN

Việc bãi bỏ sổ hộ khẩu hiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm và mong chờ. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, để có thể tiến tới bỏ sổ hộ khẩu thì phải có lộ trình và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gọi tắt cơ sở dữ liệu) là mấu chốt.

Cụ thể, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an khẳng định cơ sở dữ liệu có vai trò hết sức quan trọng. Nó sẽ tạo nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất để phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đây cũng là căn cứ quan trọng để nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ thông qua tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu, rút ngắn chi phí, giảm thời gian đi lại của nhân dân.

Cơ sở dữ liệu cũng được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc.

“Như vậy, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng lý, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân (bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân 9 số - PV) sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” - Trung tướng Vệ nói.

Cũng theo Trung tướng Vệ, cơ sở dữ liệu sẽ tập hợp 15 trường thông tin cơ bản của một công dân, mọi lĩnh vực từ y tế đến giáo dục đều sử dụng đến. Các bộ, ngành khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch thì phải truy cập vào cơ sở dữ liệu để lấy thông tin, không được gây phiền hà cho dân.

“Khi đã có cơ sở dữ liệu, chỉ cần mang thẻ căn cước hoặc số định danh thì công dân có thể đến giao dịch với bất cứ cơ quan hành chính nào, không cần phải mang bằng, học bạ hay bất cứ giấy tờ gì. Chỉ cần truy cập vào mạng là sẽ ra trường thông tin cần biết” - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho hay.

Để triển khai việc thu thập thông tin của hơn 90 triệu dân, phục vụ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu, tới đây, Bộ Công an tổ chức hội nghị toàn quốc, tiến hành tập huấn cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã/phường/thị trấn.

“Công an sẽ phát bảng kê đến từng hộ, đối chiếu thông tin và ký xác nhận, từ đó nhập dữ liệu vào hệ thống. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành trong 2-3 năm tới, khi đã có cơ sở dữ liệu rồi thì sẽ tiến tới đề xuất bỏ sổ hộ khẩu” - Trung tướng Vệ thông tin.

Nói thêm về ý nghĩa của cơ sở dữ liệu, Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - C72 Bộ Công an, cho biết nếu cơ sở dữ liệu được hoàn hiện, công dân khi làm thẻ căn cước chỉ cần đến chụp ảnh, lăn vân tay, mọi thông tin sẽ được lấy từ cơ sở dữ liệu sang mà không phải làm bất kỳ việc gì khác.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.