“Tổng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn từ 2016 đến nay đạt khoảng 206.720 tỉ đồng... So với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng…”.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, diễn ra ngày 21-11.
Hội nghị dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Cụ thể, năm 2017, theo báo cáo của 294 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước thì tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần là 543.858 tỉ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2016... Vốn chủ sở hữu theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần năm 2017 là 210.035 tỉ đồng, tăng 14% so với năm 2016. Tổng doanh thu đạt 482.545 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2016...
Bên cạnh đó, một số DN cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỉ đồng), Công ty CP XNK Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỉ đồng)...
Người đứng đầu ngành tài chính khẳng định kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN sau cổ phần hóa, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý DNNN chưa rõ ràng. Công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng của DNNN còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của DN theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động...
Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc. Ngoài ra, việc cổ phần hóa còn chậm, có khả năng không đạt theo kế hoạch của Thủ tướng đề ra.
Nguyên nhân, được Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu ra là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn một số cá nhân, DN vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, cá biệt một số cá nhân lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN dẫn đến thua lỗ, mất vốn tại một số dự án.
Từ hạn chế trên, ông Đinh Tiến Dũng kiến nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch (đặc biệt là TP Hà Nội và TP.HCM).
Hội đồng thành viên, chủ tịch, ban lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ... Đặc biệt, kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường…
“Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN…”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.