Sáng 19-5, trả lời phóng viên PLO qua điện thoại, ông Võ Trường Giang, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau khẳng định vẫn chưa có quyết định kỷ luật đối với Trưởng phòng giáo dục của huyện này về việc xài bằng giả. "Chúng tôi đang trong quá tình làm việc, chưa có kết quả"- ông Giang nói.
Trước đó, nhiều tờ báo và mạng xã hội thông tin ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng giáo dục huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã bị kỷ luật khiển trách vì sử dụng bằng không hợp pháp.
Phòng giáo dục huyện Phú Tân hiện nay. Ảnh: Trần Vũ
Trả lời phỏng vấn phóng viên PLO, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng giáo dục huyện Phú Tân thừa nhận bản thân có một bằng cấp 3 giả. Và đến thời điểm hiện nay ông vẫn chưa có bằng cấp 3. Ông đã thừa nhận toàn bộ quá trình có bằng giả từ đâu và đã tự kiểm điểm nhận hình thức kỷ luật khiển trách. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền đang quá trình xem xét, chưa kỷ luật.
Theo tường trình của ông Dũng với cơ quan có thẩm quyền, ông học được nửa lớp 12 thì nghỉ (năm 1993), do quá nghèo. Năm 1996, ông tốt nghiệp Trung học sư phạm hệ 9+3. Năm 2001, ông tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, cũng không cần bằng cấp 3 vì điều kiện dự tuyển lúc bấy giờ là đang công tác giảng dạy và bằng Trung học sư phạm.
Năm 2005-2006 ông học hết chương trình lớp 12 hệ bổ túc, nhưng không thi lấy bằng. Năm 2007 ông được cử học thạc sỹ quản lý công và tốt nghiệp tháng 3/2019, Trường đại học kinh tế TP.HCM.
Ông Dũng khẳng định: "Bằng cấp 3 giả không phục vụ cho bất kỳ văn bằng chứng chỉ nào của tôi hiện nay. Bởi Luật giáo dục, trước đây là các quy định của bộ, bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp thay thế được bằng cấp 3 nếu đã học hết chương trình cấp 3".
Về bằng cấp 3 giả bị phát hiện, ông Dũng lý giải: "Năm 2007, tôi gặp lại người bạn cũ tên Khánh đang sống ở Bạc Liêu. Quá trình hỏi thăm nhau anh bảo tôi làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp lấy bằng 12. Tôi làm gửi anh qua đường bưu điện, nhưng đến ngày thi tôi phải đi tập huấn ở Đà Nẳng không về được. Tôi báo cho Khánh biết không dự thi. Tuy nhiên, sau đó, cũng trong năm 2007, Khánh vẫn gửi tôi cái bằng cấp 3, bảo rằng thấy tiếc nên đã thi dùm tôi".
Anh đã sử dụng bằng này như thế nào và bị phát hiện ra sao? Trả lời câu hỏi này, ông Dũng bảo đã bỏ trong tép hồ sơ văn bằng 12 năm qua, không gửi vào hồ sơ lý lịch bản thân. Cuối năm 2018, khi được tổ chức đề nghị cập nhật, bổ sung văn bằng, ông đã gửi nhầm cái bằng này.
Ông nghĩ dư luận sẽ tin đó là một sự nhầm lẫn sao? Ông Dũng trả lời: "Có lẽ khó tin. Nhưng tôi từng hỏi Bộ giáo dục bằng văn bản và được trả lời bằng văn bản. Qua tìm hiểu từ các văn bản trả lời từ bộ giáo dục cho các tỉnh, tôi thấy bằng cấp 3 không có cũng không ảnh hưởng đến chức vụ và công việc của tôi. Bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp có thể thay thế nó".
Hỏi về tấm bằng giả ông Dũng nói: Lý ra tôi phải hủy ngay nghi bạn tôi gửi đến, vì tôi không thi. Nhưng tôi nghĩ đó là một kỷ niệm của người bạn quá nhiệt tình. Đó là sai lầm của tôi. Tôi đã nhìn nhận sai lầm này một cách thành tâm với tổ chức".
Vì sao ông chủ động thông tin những điều này với chúng tôi? Ông Dũng bảo: Dư luận mấy ngày qua quá lớn, nó không chỉ ảnh hưởng tôi mà ảnh hưởng ngành giáo dục huyện. Một ông Trưởng phòng giáo dục không có bằng cấp 3, người ta xì xào còn ra thể thống gì. Nhưng có những điều ít người hiểu được. Pháp luật về giáo dục vẫn thừa nhận những trường hợp không bằng cấp 3 như tôi học lên đại học, cao học. Tôi chỉ muốn nói vậy thôi.
Ông Dũng cũng cho rằng liên quan đến bằng cấp giả có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông nói quan điểm của mình: "Tôi vẫn được anh em đánh giá là thẳng thắn. Nếu có tội thì tôi chấp nhận trước pháp luật."