Một vụ dùng nhục hình chết người có nguy cơ ‘chìm xuồng’

Mắt đỏ hoe, chị Trịnh Kim Liên (ngụ phường 5, TP Vĩnh Long, Vĩnh Long) tìm đến báo Pháp Luật TP.HCM trình bày: 9 giờ sáng 28-5-2013, chị cùng chồng là anh Nguyễn Văn Đức đến Công an TP Vĩnh Long theo yêu cầu. Tại đây, cán bộ công an đọc lệnh bắt tạm giam anh Đức vì hành vi cướp tài sản. “Chồng tôi bị một điều tra viên đưa đến Trại tạm giam Công an TP Vĩnh Long. Còn tôi tất tả về nhà lo chuẩn bị áo quần cho chồng. Đau lòng thay, chưa đầy một ngày thì chồng tôi đã phải nhập viện”  - kể đến đây, chị Liên bật khóc nức nở.

Nhập viện sau khi bị giam chưa đầy một ngày

Gạt nước mắt, chị Liên kể tiếp: Theo hồ sơ bệnh án, chồng chị được công an đưa vào BV Đa khoa Vĩnh Long lúc 5 giờ 55 phút sáng 29-5-2013 trong tình trạng còn tỉnh, da niêm hồng, mạch 80 lần/phút, huyết áp 150/80 mmHg, nhịp thở 20 lần/phút, nhiệt độ 37 độ C, tim đều… Đến 7 giờ 20 phút, chồng chị xuất hiện các triệu chứng co giật, hành vi bất thường và nhiều diễn biến đột ngột. Bác sĩ chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân, tiên lượng dè dặt. Sau đó bác sĩ cho xét nghiệm sinh hóa máu điện giải đồ, xét nghiệm vi sinh để tìm ký sinh trùng sốt rét nhưng không thấy.

Đến 8 giờ thì anh Đức nhắm mắt kín, gồng cơ tự ý, không tiếp xúc. Đến 17 giờ 15 phút, anh Đức bị hôn mê, mạch bằng 0, tim phổi không nghe được. Bác sĩ cho truyền dịch, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đồng thời báo cho phía công an là anh Đức đã ngưng tim. Sau 20 phút hồi sức tích cực, mạch và huyết áp vẫn bằng 0, chi lạnh, tim không nghe được. Đến 18 giờ thì mạch và huyết áp vẫn bằng 0, chi lạnh, ngưng thở, ngưng tim…

“Chồng tôi chết không một lời trăng trối, không người thân nào bên cạnh. Giấy chứng tử ghi nguyên nhân chết là “đột ngột, ngưng tim, ngưng thở nghi do xuất huyết não”. Phía Công an tỉnh Vĩnh Long thì giải thích chồng tôi chết là do tự té và chấn thương sọ não” - chị Liên lại bật khóc.


Chị Trịnh Kim Liên và quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dùng nhục hình của CQĐT VKSND Tối cao.

Người chết “có thể bị đánh tàn khốc lắm”

Theo kết quả khám nghiệm pháp y của Cơ quan Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Vĩnh Long, tình trạng của anh Đức như sau: “Đầu: Tụ máu dưới da đầu vùng đỉnh phải khoảng 50 ml, tụ máu dưới da liên tục vùng thái dương - đỉnh trái khoảng 50 ml, nứt xương sọ từ đỉnh trái sang đỉnh phải kích thước 8 x 0,1 cm, tụ máu dưới màng cứng lan tỏa thành bánh màu nâu đen khoảng 500 ml (nửa lít máu bầm) vùng thái dương - đỉnh phải. Tại phần ngực của tử thi: gãy kín 1/3 giữa xương ức, gãy kín cung trước xương sườn số 5 bên phải, gãy kín cung trước xương sườn số 4, số 5 bên trái, tụ máu màng bao tim bên trái; cả hai phổi trái và phải sung huyết, phù”.

Chị Liên kể: “Sau khi khám nghiệm tử thi, phát hiện chồng tôi bị gãy xương sườn ở hai bên, một anh công an giải thích với tôi là do trong lúc cấp cứu, bác sĩ đã quá mạnh tay nên làm gãy xương sườn. Chiều 4-6-2013, BV Đa khoa Vĩnh Long họp hội đồng khoa học gồm 21 bác sĩ và năm điều dưỡng để tìm nguyên nhân cái chết của chồng tôi. Từ kết quả giám định, hội đồng này đã đưa ra bốn giả thiết về nguyên nhân chết. Thứ nhất: Có thể tạm chấp nhận gãy xương sườn do bác sĩ lúc cấp cứu hồi sức tích cực cấp gây nên. Tuy nhiên, không thể cùng lúc làm gãy 1/3 xương ức và khiến nạn nhân nứt sọ đến tụ máu bầm thành bánh dưới màng cứng được. Thứ hai: Phải té ở độ cao từ hơn chục mét thì mới có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng như vậy. Thứ ba: Có thể do ẩu đả tại nơi giam giữ, nếu vậy thì trận đánh phải tàn khốc lắm và tất nhiên giám thị phải biết. Thứ tư: Có thể anh Đức bị đập đầu vào tường, sau đó té lăn xuống đất rồi bị ai đó giẫm lên ngực, bụng làm gãy xương ức, xương sườn ở hai bên và nứt sọ”.

Ngày 3-6-2013, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an TP Vĩnh Long đã gửi giấy mời cha mẹ chồng chị Liên và chị Liên hôm sau đến “để giải quyết chế độ có liên quan đến anh Đức theo quy định của pháp luật”. “Gia đình đến thì phía công an đưa hơn 11 triệu đồng gọi là “hỗ trợ gạo muối” vì anh Đức chết trong thời gian tạm giam nhưng chúng tôi kiên quyết yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của chồng tôi” - chị Liên nói.

Tạm đình chỉ 15 tháng mới giao quyết định

Sau đó chị Liên đã liên tục gửi các đơn yêu cầu xử lý hình sự những người liên quan đến các cơ quan chức năng. Ngày 14-11-2013, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án dùng nhục hình xảy ra tại Cơ quan CSĐT Công an TP Vĩnh Long.

Theo lời chị Liên, từ đó gia đình chị không hề được biết thêm thông tin gì về vụ án dùng nhục hình này nên nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới CQĐT VKSND Tối cao nhưng không được hồi âm. Đích thân chị Liên năm lần bảy lượt trực tiếp tìm đến trụ sở cơ quan đại diện phía Nam của Cục Điều tra VKSND Tối cao nhưng đều không gặp được người có trách nhiệm.

Ngày 10-11-2015, chị Liên lại tìm đến đơn vị này và nhận được văn bản thông báo với nội dung như sau: “Tuy nhiên, quá trình điều tra để làm sáng tỏ thêm các tình tiết vụ việc, CQĐT đã trưng cầu giám định một số vấn đề liên quan đến cái chết của anh Nguyễn Văn Đức. Trong khi chờ kết quả giám định, theo quy định của pháp luật, CQĐT VKSND Tối cao đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án”.

Không đồng tình với văn bản trả lời chung chung này, chị Liên tiếp tục khiếu nại. Ngày 9-12, chị tiếp tục tìm đến trụ sở cơ quan đại diện phía Nam của Cục Điều tra VKSND Tối cao và lần này chị mới nhận được quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dùng nhục hình xảy ra tại Công an TP Vĩnh Long. Quyết định này được một phó thủ trưởng CQĐT VKSND Tối cao ký từ ngày 15-9-2014. Lý do đình chỉ là: Sau khi tiến hành điều tra xác định cần phải đợi kết quả giám định của Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM.

Chị Liên cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại tới cùng bởi “vụ án có dấu hiệu chìm xuồng”. Theo chị, nguyên nhân cái chết của chồng chị đã rất rõ từ kết quả khám nghiệm pháp y của Cơ quan Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Vĩnh Long cùng kết quả họp của hội đồng khoa học BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. “Phải có dấu hiệu dùng nhục hình thì CQĐT VKSND Tối cao mới khởi tố vụ án chứ. Vậy mà đã khám nghiệm pháp y rồi, giờ còn “giám định một số vấn đề” nữa là vấn đề gì? Tại sao đến nay vẫn chưa có kết quả giám định mới? Tại sao CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ vụ án dùng nhục hình lại không gửi cho gia đình tôi mà để 15 tháng mới giao cho tôi dù tôi đã khiếu nại, tới lui rất nhiều lần?” - chị Liên bức xúc.

Chúng tôi đã liên hệ với Cục Điều tra VKSND Tối cao để tìm hiểu về vụ án. Một lãnh đạo Cục Điều tra VKSND Tối cao cho biết ông cũng rất bức xúc nhưng đến nay vụ án vẫn bế tắc vì “không xác định được bị can” (?!). Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan là Cục Điều tra VKSND Tối cao và Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM để có thông tin tới bạn đọc.

“Mẹ con tôi bơ vơ lắm!”

Chị Liên kể một năm trước khi bị bắt, anh Đức có nhậu với một nhóm thanh niên cùng xóm, sau khi ngà ngà say, họ phóng xe máy lên hướng cầu Mỹ Thuận. Anh Đức chạy theo đến vòng xoay cổng chào tỉnh Vĩnh Long thì nghe có tiếng kêu “cướp... cướp!” nhưng không thấy bạn nhậu đâu nên anh quay về nhà. Nhóm thanh niên này sau đó gặp anh Đức cho tiền nhưng anh từ chối vì không tham gia, không liên quan. Trước khi Công an TP Vĩnh Long kêu anh Đức lên thì nhóm thanh niên này đánh nhau và bị bắt.

“Có lẽ họ khai ra vụ cướp năm trước là do họ làm. Chồng tôi vô can nhưng rồi mang họa. Người ta bị tù còn có ngày về với vợ con, chồng tôi ngày về chỉ là cái xác không hồn. Anh ấy là con lớn nhất trong gia đình có hai anh em. Sớm chiều vợ chồng tôi chiên bánh tiêu bỏ mối nuôi con ăn học. Ngoài ra, anh ấy còn phụ các tiểu thương trong chợ làm cá, nhặt rau. Vợ chồng tôi có được một con trai, nay cháu đã 14 tuổi, rất chăm chỉ, ngoan ngoãn. Nay anh ấy mất rồi, mẹ con tôi bơ vơ lắm!” - chị lại khóc.

Bốn luật sư nhận trợ giúp pháp lý miễn phí

Hiện nay đã có bốn luật sư là Đoàn Công Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang), Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP.HCM), Nguyễn Duy (Đoàn Luật sư TP.HCM), Cao Thế Luận (Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu) nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình chị Liên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới