Mũ bảo hiểm dỏm: Phạt hay không phải minh định

Người bảo “không phạt”, người nói “chưa phạt”, cá biệt có địa phương đã xử phạt (!).

Thông tư liên tịch số 06/2013 hướng dẫn: MBH cho người đi mô tô, xe máy phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo vệ được cái đầu của người điều khiển lẫn người ngồi trên xe. Mũ ấy phải có “ba lớp”, đồng thời phải có tem hợp quy CR và nhãn “MBH dành cho người đi mô tô, xe máy”.

Theo đó, Ủy ban ATGT quốc gia chia ra hai loại: MBH cho người đi mô tô, xe máy và mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe máy. Người dân thì phân thành ba loại MBH: mũ thật, “xịn” (có đủ các tiêu chí quy định nêu trên); mũ dỏm (không có đủ các tiêu chí quy định, chất lượng thấp như các loại mũ thời trang, mũ bảo hộ lao động, mũ hơi, mũ cối quân đội...); mũ giả (hình dáng như mũ“xịn” nhưng giả nhãn hiệu, tem và giả cả chất lượng, công dụng).

Từ đó, áp với quy định nêu tại Nghị định 171/2013 “phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe không đội MBH cho người đi mô tô, xe máy” thì có nghĩa là việc đội mũ dỏm, giả đều bị xem là vi phạm và có thể bị xử phạt. Vì vậy việc Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông tin tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1-7 “lúc này chỉ xử phạt hành vi không đội MBH và chỉ nhắc nhở người đội MBH kém chất lượng…”, phải chăng là chưa xử phạt người đội MBH dỏm, giả? Nếu đúng vậy và nếu đây là quyết định hiện tại của Chính phủ thì “chỉ đạo miệng” như thế liệu có giá trị pháp lý để thay thế cho lệnh phạt nêu tại Nghị định 171? Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi lẽ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thì chỉ có văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong luật này… mới có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung.

Trước đây, Thông tư liên tịch 06 từng bị dừng việc phát hành do dư luận phản ứng trước việc “đòi” xử phạt MBH dỏm, giả. Nay không lẽ cũng vì dư luận mà các cơ quan chức năng lại phát ngôn “thụt lùi” bất kể các quy định hiện hành đều đưa ra thông điệp xử phạt người đội MBH dỏm, giả? Với các loại mũ này (nhất là các mũ thời trang, mũ “nhái”) rất dễ nhận diện. Có thực là lực lượng chức năng không thể dồn sức tập trung xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất để bảo đảm chúng không còn xuất hiện tràn lan, trước khi tính đến việc phạt người sử dụng? Đặt vấn đề vậy để thấy cách xây dựng quy định phạt MBH của ta trong một thời gian dài vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, gây ra nhiều xáo trộn, bất nhất không đáng có.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm