Mùa mưa, nhiều người ở TP.HCM bị viêm da do nọc độc kiến ba khoang

(PLO)- Gần đây, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận 50-70 bệnh nhân đến khám bệnh viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang cắn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Con trai bà PNL (ngụ quận 8, TP.HCM) đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM trong tình trạng vùng mặt sưng to, nổi mụn nước.

Ngủ dậy mặt sưng to, tai mưng mủ

Bà L cho hay một sáng sau khi ngủ dậy, con trai bà thấy hai lỗ tai nổi mụn nước, mắt sưng húp nổi mụn mủ... Tưởng con dị ứng, bà L đưa con ra tiệm thuốc tây mua thuốc điều trị dị ứng.

Tuy nhiên, sau bôi thuốc, tình trạng mụn và sưng không những không cải thiện mà mặt con bà sưng to nổi nhiều mụn nước hơn. Lần này nghĩ con bị giời leo, bà đưa con đi khám mới biết nguyên nhân do kiến ba khoang.

kien-ba-khoang-can.JPG
Bệnh nhân bị kiến ba khoang cắn đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Ảnh: BVCC

Con trai bà L kể mấy ngày nay mưa nên buổi tối kiến bay vào nhà nhiều. Khi đi ngủ sợ kiến chui vào tai nên anh lấy bông nút tai khi vừa giết kiến mà chưa kịp rửa tay. Chính vì vậy mà dịch kiến ba khoang tiếp xúc với da gây sưng mặt, nổi mụn...

Tương tự, chị YT (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám do nọc độc kiến ba khoang làm tổn thương vùng cổ.

Kể với bác sĩ, chị T cho biết buổi tối khi đang ngồi làm việc chị bỗng thấy con gì bò vào, không nghĩ là kiến ba khoang nên chị lấy tay hất ra. Tầm 5 phút sau, vùng da cổ của chị xuất hiện tình trạng nóng, ngứa, rát. Nửa ngày sau, da vùng cổ chị T bị nổi mụn nước, ngứa rát rất khó chịu nên chị phải đến bệnh viện khám.

Biến chứng nặng nếu không điều trị kịp thời

ThS-BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng điều hành phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Da Liễu TP.HCM), cho biết gần đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 50-70 bệnh nhân đến khám trong tình trạng viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.

Khi bị kiến ba khoang cắn, nếu không được chữa trị đúng cách mà tự đắp lá, đắp thuốc, những loại chất không rõ loại trên bề mặt da… sẽ làm tổn thương nặng hơn, bội nhiễm, dễ dẫn đến nhiễm trùng. Thậm chí có thể xảy ra những biến chứng như tăng sắc tố sau viêm, gây sẹo lõm, sẹo lồi ở vùng bị tổn thương...

“Có nhiều người điều trị ở những cơ sở không uy tín, chẩn đoán sai thành bệnh zona khiến quá trình điều trị sau đó phức tạp hơn. Bệnh zona và viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có những đặc điểm giống nhau, song về bệnh cảnh, yếu tố nguy cơ tiếp xúc cũng như biểu hiện bệnh có khác biệt. Các bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ dễ dàng phân biệt được để chẩn đoán đúng bệnh, điều trị kịp thời” - bác sĩ Nhi nhấn mạnh.

kiến ba khoang cắn - 1
Xử trí vết thương do kiến ba khoang không đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng. Ảnh: BVCC

BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết mùa mưa có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, thuận lợi cho kiến ba khoang sinh sản. Một trong những đối tượng nguy cơ cao bị tổn thương bởi kiến ba khoang là trẻ em, có những trẻ bị vết thương do kiến cắn phải điều trị hơn hai tuần mới khỏi.

Khi bị kiến ba khoang bò lên người không nên đập mà chỉ cần phủi nhẹ, lý do khi đập dễ làm bể tuyến nước bọt, tuyến dạ dày của kiến, nọc độc từ đó tiết ra làm da bị tổn thương nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Tiến lưu ý khi chăm sóc trẻ bị kiến ba khoang cắn tại nhà, cần theo dõi kĩ. Nếu thấy trẻ sốt, lạnh run, nói sảng, vết thương viêm tấy, mưng mủ lan rộng, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

“Nếu để lâu trẻ có thể bị nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, phản vệ... Đôi khi trẻ bị nhiễm trùng nặng, nếu điều trị không kĩ, không đúng cách như đắp lá, bôi thuốc truyền miệng sẽ gây hoại tử xương, phải tháo khớp” - bác sĩ Tiến chia sẻ.

Cách xử trí khi "dính" nọc độc kiến ba khoang

Theo bác sĩ Nhi (Bệnh viện Da liễu), khi tiếp xúc với dịch do kiến ba khoang tiết ra, bệnh nhân sẽ bị kích ứng da, xuất hiện những vết mụn nước, rộp trên bề mặt da. Tình trạng này sẽ lan rộng nếu vết thương không được chăm sóc đúng cách hoặc bị cào, gãi.

kien-ba-khoang-can2.jpg

Nếu bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, việc đầu tiên nên làm là rửa sạch vùng tổn thương. Lưu ý khi rửa cần rửa nhẹ nhàng nhằm làm trôi dịch độc, không chà mạnh vì như vậy sẽ vô tình làm lây lan dịch tiết của kiến. Đặc biệt, cần hạn chế cào gãi, chà xát mạnh làm vỡ mụn nước.

Khi trên da xuất hiện các triệu chứng do nọc độc, dịch độc của kiến ba khoang, người dân cần sớm đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Tùy tình trạng tổn thương bác sĩ sẽ cho uống thuốc, sử dụng thuốc bôi đặc hiệu.

“Nếu nhà ở trong hoặc gần những khu vực nhiều bụi rậm, cây cối, người dân nên dùng lưới phòng chống côn trùng. Buổi tối nên giảm bớt ánh sáng đèn trong nhà để hạn chế thu hút kiến ba khoang.

Cạnh đó, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nhất là những nơi kiến hay ẩn náu như khe cửa, các góc ẩm thấp, góc nhà... Hạn chế phơi quần áo vào ban đêm nhằm tránh kiến đậu vào quần áo, khi mặc không để ý sẽ gây tổn thương da" - bác sĩ Nhi khuyến cáo

Có nên bôi quá nhiều xà phòng vào vết thương?

Sau khi rửa sạch vết thương do kiến ba khoang gây ra, nên bôi thuốc sát trùng. Nếu không có thuốc sát trùng thì thay bằng nước xà phòng pha loãng vì nó cũng có tính sát khuẩn. Tuy nhiên không nên bôi quá nhiều xà phòng, chỉ cần 1-2 lần/ ngày.

Khi trẻ bị kiến ba khoang cắn không nên bôi nhiều xà phòng vì da trẻ rất mỏng, bôi nhiều dễ làm da trẻ tổn thương nặng hơn.

Sau khi xử trí ban đầu, người bị thương do kiến ba khoang đến cơ sở y tế khám để bác sĩ kê thuốc bôi an toàn. Ngoài ra, nếu vết thương đã bị phỏng rộp, bác sĩ sẽ đánh giá vấn đề bội nhiễm, nhiễm trùng để có cách xử lý phù hợp.

BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm