UBND TP Hà Nội vừa kiến nghị Bộ Công an ban hành quy định về đăng ký ô tô, trong đó người mua xe phải có tài khoản được mở tại ngân hàng để khấu trừ vào tài khoản ngân hàng đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được xử lý bằng hình thức phạt “nguội”. Xung quanh kiến nghị này, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp vận tải, người dân...
Ông NGUYỄN VĂN THANH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:
Nên áp dụng trước với doanh nghiệp
Tôi ủng hộ đề xuất trên nhưng phải có một lộ trình phù hợp. Cụ thể, cần thực hiện trước với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải, hợp tác xã. Đối với xe cá nhân nên khuyến khích, đồng thời vận động, tuyên truyền, đến một thời điểm nào đó phù hợp cũng nên bắt buộc.
Qua đó xe doanh nghiệp vi phạm sẽ bị trừ vào tài khoản của doanh nghiệp và không được sử dụng tiền mặt để nộp phạt. Tiền phạt này doanh nghiệp có thể trừ vào tiền lương hoặc các khoản thu nhập nào đó của tài xế vi phạm giao thông. Đối với cơ quan nhà nước cũng vậy. Dần dần chúng ta cần phải siết chặt việc tiêu tiền mặt để minh bạch và chống tham nhũng. Tất nhiên, việc tham nhũng có trăm phương ngàn kế nhưng đây là biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này. Hiện các nước văn minh họ cũng không dùng tiền mặt nhiều như chúng ta.
Về lo ngại tài khoản “0 đồng”, tôi cho rằng doanh nghiệp có rất nhiều tài khoản nhưng là đơn vị kinh doanh thì không thể nào tài khoản “0 đồng”. Còn cá nhân có thể họ trốn tránh bằng việc không nộp thêm tiền vào tài khoản nhưng tôi tin với xã hội đang tiến tới văn minh, họ sẽ thực hiện nếu như cảm thấy hình thức trên thuận tiện, giảm bớt được thủ tục. Một người bỏ tiền ra mua ô tô vài trăm triệu đồng để đi lại thì kinh tế ở mức trung bình khá nên việc có khoản tiền 10-20 triệu đồng trong người không khó.
“Phạt nguội” qua tài khoản là ý tưởng tốt nhưng chưa thể thực hiện. Ảnh: V.LONG
TS PHẠM SANH, chuyên gia giao thông:
Cần phải có lộ trình
Hiện nay, việc sử dụng tiền mặt ở Việt Nam còn rất thông dụng nên không thể yêu cầu người dân mở tài khoản ngân hàng nếu mua ô tô ngay được. Dù biết việc sử dụng tài khoản ngân hàng là để chống tham nhũng, tránh tình trạng rửa tiền, song việc này cần phải có lộ trình để người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này. Đồng thời, đề xuất này cần phải đưa ra thảo luận xem có phạm luật không, từ đó đưa ra một lộ trình cụ thể. Nói tóm lại, việc này nếu áp dụng phải trên cơ sở tự nguyện chứ không thể bắt ép người dân tham gia được.
Anh Nguyễn Sơn, khu đô thị Xala, Hà Đông, Hà Nội:
Không nên bắt buộc
Tôi cho rằng việc mở tài khoản nên khuyến khích. Theo đó, người dân khi mua xe họ được lựa chọn hình thức trên nếu cảm thấy thuận tiện. Còn việc này mà bắt buộc cá nhân mở tài khoản là điều vô lý, bởi nếu không thực hiện quy định này đồng nghĩa với việc không được sở hữu xe, như vậy là vi phạm quyền sở hữu tài sản của người dân.
Bên cạnh đó, tôi cũng đang băn khoăn cơ quan nào sẽ giám sát khoản tiền trong tài khoản này, người sử dụng phương tiện phải đóng vào đó là bao nhiêu tiền…, nếu cao thì ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh hoạt của gia đình. Vì một bộ phận người dân vì mưu sinh nên phải vay ngân hàng để mua ô tô chứ không phải giàu có.
Ý tưởng tốt nhưng còn nhiều rào cản Ngày 27-6, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đơn vị vừa gửi văn bản phản hồi tới Công an TP Hà Nội về đề xuất ban hành quy định yêu cầu các chủ xe khi đăng ký phương tiện phải mở tài khoản ngân hàng để thuận tiện cho việc xử phạt “nguội”. Theo đó, đơn vị này cho rằng trong thực tế còn nhiều rào cản. Cụ thể, vấn đề lớn nhất là việc sang tên, đổi chủ xe khi mua bán chưa được làm triệt để mặc dù đã có quy định, do vậy “rất khó áp dụng thu tiền vi phạm qua tài khoản ngân hàng”. Hơn nữa, trong trường hợp chủ xe có đăng ký tài khoản theo quy định nhưng có thể vài ngày sau họ rút hết tiền, những tài khoản khi đó biến thành các tài khoản trống không. Về pháp lý, đơn vị này cho rằng để áp dụng hình thức trên không phải sửa văn bản là được mà phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, muốn xử phạt chủ xe qua tài khoản, dữ liệu của công an phải kết nối được với ngân hàng, qua đó trích xuất chủ xe vi phạm và trừ tiền. Tuy nhiên, việc này lại động chạm đến bảo mật thông tin của khách hàng nên chưa thể làm ngay. PP |
Ở đây người đứng tên ô tô là chủ tài khoản nhưng người vi phạm có thể là người lái xe khác. Mà việc nộp phạt lại bằng hình thức trừ tiền người chủ xe trong khi chủ xe không vi phạm là không đúng với quy định hiện nay. Nếu thu tiền phạt qua tài khoản ngân hàng thì tất cả công dân phải có tài khoản hết. Ai vi phạm thì trừ vào tài khoản người đó mới đúng. Có điều việc bắt tất cả công dân phải có tài khoản thì pháp luật chưa quy định. Đội trưởng một đội CSGT TP.HCM L.THOA ghi |