Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 mới đây của Phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, đã đề xuất có quy định buộc các chủ ô tô mở tài khoản (TK) ngân hàng nhằm phục vụ cho việc xử phạt vi phạm giao thông.
Về lý do, Đại tá Hải cho biết: “Thời gian qua, Hà Nội áp dụng hình thức phạt nguội qua hệ thống camera và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc này vẫn còn gặp khó khăn do nhiều xe chưa sang tên chính chủ khiến quá trình truy tìm chủ xe và xử phạt gặp nhiều khó khăn”.
Xóa tình trạng “cưa đôi”
Từ tồn tại trên, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị Cục CSGT (C67) tham mưu cho bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị Chính phủ quy định khi đăng ký ô tô phải có TK ngân hàng. Theo ông, việc mở TK sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm giao thông. Qua đó người bán xe sẽ bắt buộc người mua xe phải sang tên cũng như sang TK, vì nếu không làm sẽ bị trừ vào TK của mình.
Đại tá Hải cho rằng: “Cứ trừ vào TK. Tôi tin chắc ý thức của lái xe cao hơn rất nhiều. Việc này đã áp dụng rất nhiều ở các nước, với người sở hữu ô tô thì có 10-20 triệu đồng trong TK không phải là quá khó khăn”.
CSGT lập biên bản một trường hợp vi phạm giao thông. Ảnh: TUYẾN PHAN
Nhiều chủ phương tiện ô tô khi được PV hỏi về đề xuất trên đã thể hiện sự ủng hộ. “Tôi không quan tâm nhiều đến việc CSGT xử phạt dễ dàng ra sao, song nếu có quy định này người vi phạm giao thông sẽ không bị phiền toái, mất nhiều thời gian cho việc đi đóng phạt. Quan trọng hơn, các lỗi vi phạm theo tôi sẽ được xác định chính xác hơn nên tránh được tình trạng người tham gia giao thông dễ bị “làm khó” như thực tế hiện nay” - ông Trương Quốc Hưng (quận Hoàng Mai) nói.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng đề xuất việc xử phạt qua TK cần được thực hiện một cách minh bạch. Theo đó, quá trình ghi nhận lỗi, quyết định phạt, trừ tiền trong TK… đều phải rõ ràng và lưu lại. Khi người dân có khiếu nại, đề nghị xem lỗi vi phạm thì cơ quan chức năng phải có đầy đủ cơ sở chứng minh.
Tương tự, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ủng hộ việc mở TK đối với ô tô. Việc này sẽ tạo ra sự minh bạch, xóa tình trạng “cưa đôi”, tức người vi phạm thương lượng với CSGT để được giảm số tiền phạt, nảy sinh tiêu cực.
Nhưng còn băn khoăn
“Mở TK sẽ vừa tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho cả người dân và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, muốn áp dụng quy định trên cần phải có lộ trình vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố và áp dụng ở thời điểm hiện tại sẽ còn khó” - ông Bùi Danh Liên nhận định.
Một số chủ xe cũng cho rằng chưa cần thiết phải mở TK. Đối với các lỗi vi phạm bị phạt nguội, cơ quan chức năng gửi thông báo đến chủ phương tiện và yêu cầu đến nộp phạt. Nếu chủ xe không chấp hành, lỗi vi phạm có thể lưu lại cho cơ quan đăng kiểm. Khi đến kỳ đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm tiến hành thu tiền phạt một cục, nếu không sẽ không cho đăng kiểm.
“Lúc đăng ký thì yêu cầu mở TK nhưng sau đó TK không có hoặc hết tiền thì phải làm thế nào? Hơn thế, khi cho mượn hoặc cho thuê xe tự lái thì vấn đề này cũng khá rắc rối” - một chủ ô tô cá nhân chia sẻ.
Ngoài ra, một số chủ doanh nghiệp (DN) vận tải cũng băn khoăn khi cho hay một DN vận tải thường có đến vài chục ô tô. Nếu phải mở TK cho từng xe thì họ sẽ tốn kém cho việc mở nhiều TK, lại bỏ một số tiền nằm chết trong TK, là điều tối kỵ trong kinh doanh. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định đây cũng là cái khó cho các DN do không phải đơn vị nào cũng có đủ năng lực tài chính để thực hiện. “Thế nhưng các DN phải tự tìm cách giải quyết vì đã đầu tư một chiếc xe trị giá 3-4 tỉ đồng thì việc có 5-7 triệu đồng trong TK sẽ không quá khó” - ông Liên nói thêm.
Dân tiện, không phát sinh tình huống cho CSGT tiêu cực Việc phạt nguội vi phạm giao thông qua camera hiện nay dù có kết quả tích cực song do tình trạng ô tô không sang tên chính chủ khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Có những trường hợp xe đã bán quá 5-6 đời chủ, CSGT phải bỏ công sức rất nhiều để tìm được chủ sở hữu hiện tại. Hoặc nhiều người vi phạm đã được gửi thông báo đến nộp phạt nhưng vẫn chây ì, không chấp hành. Trong khi nguyên tắc là mọi trường hợp vi phạm đều phải bị xử lý. Vì vậy, khi triển khai việc xử phạt qua TK, CSGT sẽ giảm đi rất nhiều công sức, cứ vi phạm thì tự động trừ tiền. Ngoài ra, người dân cũng không cần đến trụ sở công an. Tương tự, CSGT cũng không thể phát sinh các tình huống tiêu cực. Một cán bộ CSGT Phòng CSGT Hà Nội _____________________________ Vấn đề xử phạt bằng việc mở TK đã được lực lượng CSGT nghiên cứu từ lâu nhưng trước đây gặp khó vì nhiều ô tô không sang tên chính chủ, thủ tục sang tên cũng rất phức tạp. Tuy nhiên, mấy năm qua, sau khi Bộ Công an tạo điều kiện cho người dân thực hiện thủ tục sang tên xe, đặc biệt là những xe đã qua nhiều đời chủ thì đề xuất này đã có thể áp dụng. Đây là một ý tưởng hay. Dù vậy, mỗi chính sách trước khi ban hành cần phải đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Việc mở TK đối với chủ phương tiện sẽ đặt ra nhiều vấn đề nảy sinh, ví dụ người dân được mở TK của một hay nhiều ngân hàng, việc phối hợp giữa ngân hàng và CSGT sẽ ra sao, người dân Việt Nam hiện vẫn sử dụng tiền mặt là chính, rồi đó mới chỉ là ô tô vì chúng ta cũng phải tính đến cả xe máy… Một điều quan trọng khác, đó là quá trình xử phạt phải đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng. Các bằng chứng xử phạt đối với người vi phạm qua hệ thống camera phải chính xác, các giấy tờ, giao dịch liên quan đến việc trừ tiền trong TK phải được lưu giữ… để sử dụng khi có tranh chấp. Ngoài ra, khi xử phạt, có thể người dân khiếu nại nên CSGT phải có đủ tài liệu, cơ sở để chứng minh cho việc xử phạt của mình. Thiếu tướng TRẦN THẾ QUÂN, Phó Cục trưởng Việc xử phạt nguội qua hình ảnh còn khó khăn do nhiều trường hợp được thông báo nhưng người vi phạm không chấp hành. Chúng tôi đề xuất thí điểm mở TK đối với chủ ô tô. Quy định này sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện, nhất là trong việc xử phạt chủ xe vi phạm thông qua hệ thống giám sát tự động. Thiếu tướng TRẦN SƠN HÀ, Cục trưởng Cục CSGT, nói tại một hội nghị an toàn giao thông Việt Nam |