Mua sắm online: Nhiều người ủng hộ việc kiểm hàng trước khi nhận

(PLO)- Chính sách đồng kiểm hàng hóa khi mua hàng qua mạng và qua các sàn thương mại điện tử đang được người tiêu dùng ủng hộ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, nhiều khách hàng đã chuyển thói quen mua sắm từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) sang các cá nhân bán hàng trên mạng xã hội. Lý do là nhiều cá nhân bán hàng trên mạng xã hội đã cho phép người mua đồng kiểm hàng hóa (kiểm tra hàng trước khi nhận).

Người mua thích được đồng kiểm hàng hóa

Chị ĐH (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết gần nửa năm nay chị đã chuyển sang mua sắm từ các cá nhân bán hàng trên mạng xã hội. “Tôi thấy việc đồng kiểm rất có lợi và ở cương vị người mua thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Khách hàng cảm thấy được tôn trọng và biết sản phẩm mình sẽ nhận, đề phòng trường hợp mất tiền oan” - chị ĐH nói.

Nhiều khách hàng ủng hộ việc đồng kiểm trước khi nhận hàng nhằm đảm bảo hàng mua đúng như mô tả của người bán. Ảnh: T.HÀ

Nhiều khách hàng ủng hộ việc đồng kiểm trước khi nhận hàng nhằm đảm bảo hàng mua đúng như mô tả của người bán. Ảnh: T.HÀ

Anh Phạm Tuấn (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết chính vì không được đồng kiểm hàng hóa nên đã nhiều lần anh bị lừa tiền khi mua hàng qua mạng xã hội. “Tôi có thói quen thanh toán trước, nhận hàng sau nên khi mua hàng trên Facebook, tôi đã nhiều lần bị tráo hàng và bị người bán chặn ngay sau khi mua hàng” - anh Tuấn nói.

Chị Phương Chi (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết chị đã phải đăng tải một bài viết trong nhóm chuyên chia sẻ về mua sắm online về sự cố trả hàng hoàn tiền của mình.

Theo chị Chi, việc trả hàng hoàn tiền trên ứng dụng mua sắm không phải đơn giản vì thời gian chờ xác nhận của shop, việc shipper (người giao hàng) tới lấy lại sản phẩm cho đến khi hoàn tiền là rất lâu.

Trong nhóm giao hàng của các tài xế, chủ đề này cũng được bàn luận sôi nổi khi các shipper kỳ vọng việc sàn TMĐT cho phép đồng kiểm nhằm kích thích người tiêu dùng mua hàng, từ đó gia tăng đơn hàng cần giao.

Việc nên hay không nên thực hiện chính sách đồng kiểm phụ thuộc vào thỏa thuận và chính sách phát triển của từng đơn vị. Thực tế, việc đồng kiểm sẽ gây tốn chi phí cũng như thời gian giao hàng cho nhân viên.

Ở một khía cạnh nào đó, việc cho phép người mua đồng kiểm có thể sẽ tác động nhiều đến quyết định mua sắm online, đặc biệt là trong bối cảnh người tiêu dùng có nhiều lựa chọn và yêu cầu ngày càng cao, đồng thời tác động đến việc quản lý dịch vụ của sàn TMĐT. Chính vì thế, nếu đồng kiểm thì các sàn TMĐT nên có chính sách cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người bán, người mua lẫn người giao hàng.

Ông NGUYỄN NGỌC DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM)

Nên nhưng cần kèm điều kiện

Ở góc nhìn khác, anh Thanh Viên (người kinh doanh bốn năm trên sàn TMĐT) lại lo ngại việc đồng kiểm sẽ gia tăng sự gian lận, bởi nhiều khách hàng sẽ đổi ý vô cớ hoặc không loại trừ trường hợp shipper gian lận. Chính vì thế, nếu các sàn TMĐT hoặc mạng xã hội “chiều” người mua cho đồng kiểm thì phải có bộ chính sách rõ ràng để có thể bảo vệ quyền lợi của cả người bán, người mua lẫn shipper.

Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn TMĐT Trường FPT Polytechnic, nhìn nhận: Đối với các hoạt động kinh doanh online tại Việt Nam, cá nhân ông đồng tình với việc đồng kiểm hàng hóa. Vì đây là cách để nhận đúng hàng và biết được sản phẩm có bị hư hỏng, lỗi hay không. Điều này sẽ công bằng cho cả người mua và người bán.

“Ở nước ngoài, người mua hàng online thường thanh toán trước, đồng kiểm sau. Có khi khách hàng không cần thực hiện đồng kiểm vì niềm tin vào nhà cung cấp. Bởi việc kiểm duyệt hàng hóa bán ở các sàn TMĐT nước ngoài… rất khắt khe và nhiều quy định. Người bán sẽ bị phạt nặng nếu giao không đúng hàng cho khách” - ông Huy cho biết.

Theo ông Huy, tại thị trường Việt Nam, mặc dù TMĐT đang phát triển mạnh, nhanh chóng nhưng vấn đề về xử lý hàng hóa hiện tại cần nhiều giải pháp tốt hơn bởi sản phẩm duyệt lên sàn rất dễ dàng, không được sàng lọc trước. Do đó, đồng kiểm cũng là cách để khách hàng kiểm soát chất lượng hàng hóa.

“Dù việc đồng kiểm là giải pháp tối ưu nhưng chưa phải là dài hạn để giảm thiểu hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng với giới thiệu. Về lâu dài, chính các sàn TMĐT cần phải xây dựng chính sách kiểm duyệt hàng hóa mạnh hơn để bảo vệ người tiêu dùng và nhà cung cấp chân chính” - ông Huy nhìn nhận.•

Quy định về kiểm tra hàng hóa như thế nào?

Việc kiểm tra hàng hóa trước được quy định tại Điều 44 Luật Thương mại năm 2005 đối với cả mua bán theo phương thức thông thường hay mua bán qua sàn TMĐT. Trường hợp kiểm tra hàng hóa không đúng theo thỏa thuận khi xác lập giao dịch điện tử tại sàn TMĐT thì “bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng” theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Thương mại năm 2005.

Mặc dù việc đồng kiểm chỉ có thể kiểm tra nhanh mà không được phép kiểm tra sâu nhưng quy định đồng kiểm giữa shipper và người mua hàng nhằm đảm bảo tính minh bạch về chủng loại, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã… của hàng hóa qua quan sát “ngoại quan” có đúng như thông tin mà người bán đã công bố tại sàn TMĐT hay không. Điều này giúp loại bỏ tình trạng giao hàng không đúng theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Từ đó giúp lành mạnh thị trường TMĐT, nâng cao trách nhiệm trung thực của bên bán hàng.

Đành rằng giá trị của một giao dịch mua bán qua sàn TMĐT là nhỏ nhưng không vì thế mà bên bán có quyền mặc nhiên áp đặt buộc người mua phải nhận hàng mà không được kiểm tra hàng. Điều này không những vi phạm pháp luật về hợp đồng, mà còn vi phạm quy định tại Điều 8, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Hiên nay, việc đồng kiểm mới chỉ được các sàn TMĐT áp dụng thí điểm nhưng điều đó không loại trừ trách nhiệm của người bán và sàn TMĐT. Việc đồng kiểm không phải là một vấn đề mới, mà đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của người bán và sàn TMĐT. Chỉ có đồng kiểm mới giúp người mua hàng yên tâm, tin tưởng khi mua hàng qua các sàn TMĐT, từ đó tăng giao dịch mua bán qua hình thức này.

ThS Trần Minh Hiệp, giảng viên khoa Luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm