Theo kế hoạch dự kiến, đề án trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế (TTMS) sẽ được UBND TP xem xét phê duyệt trong tháng 7 sau khi được Sở Nội vụ thẩm định.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm, nguyên Phó Giám đốc phụ trách dược tại Sở Y tế TP.HCM, xung quanh vấn đề này.
Theo kế hoạch dự kiến, đề án trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ được UBND TP xem xét phê duyệt trong tháng 7-2022 sau khi được Sở Nội vụ thẩm định. Ảnh: N.NHI |
BV Bình Dân ứng dụng thiết bị phẫu thuật robot hiện đại. Ảnh: TRẦN NHUNG |
Nhìn bài học cũ để rút kinh nghiệm
. Phóng viên: Thưa bà, năm 2013, UBND TP.HCM quyết định thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế, trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Tuy nhiên, đến năm 2017 trung tâm này giải thể, bà có thể cho biết lý do?
+ PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (ảnh): Thực sự mà nói, đấu thầu tập trung hay đấu thầu riêng lẻ đều có cái hay, cái dở riêng, không có cái nào hoàn hảo cả.
Khi đấu thầu sẽ dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp dược tham gia với nhiều loại thuốc (trừ nhóm thuốc brand name - biệt dược gốc - PV) thì đấu thầu không có ý nghĩa do độc quyền giá, chỉ đàm phán giá là tốt nhất. Đối với nhóm thuốc generic (thuốc sao chép - PV), có những sản phẩm hàng chục nhà cung cấp đều có và xuất hiện rất nhiều trên thị trường.
Cho nên điều đầu tiên có thể xảy ra nếu đấu thầu tập trung là tình trạng chỉ một doanh nghiệp trúng thầu. Nếu doanh nghiệp này đứt hàng, gãy hàng thì nguy cơ bệnh nhân thiếu thuốc sẽ rất cao.
Thứ hai, nếu xảy ra tiêu cực, đấu thầu nhỏ thì tiêu cực nhỏ, đấu thầu lớn sẽ tiêu cực lớn.
Thứ ba, mỗi bác sĩ (BS) có riêng danh mục thuốc (không đề cập việc hưởng hoa hồng) và đã được sử dụng cho nhiều bệnh nhân, mang lại kết quả điều trị tốt. Nhưng nếu làm tập trung, chỉ một loại thuốc cung cấp cho toàn bộ bệnh viện (BV) thì liệu kết quả điều trị có như mong muốn? Điều này tước mất cơ hội của rất nhiều loại thuốc khác.
Còn nếu đấu thầu riêng lẻ, thứ nhất là năng lực đấu thầu của từng BV không được cao, dễ dẫn ra sai sót. Thứ hai, mỗi BV một giá thuốc khác nhau. Đứng về khía cạnh khi dùng quỹ BHYT để thanh toán, việc chênh lệch giá thuốc giữa các BV sẽ có điều không hay. Bởi cùng loại thuốc mà với BV này BHYT trả nhiêu đây, với BV kia BHYT lại trả khác.
Tóm lại, đấu thầu tập trung khó tồn tại bởi người đấu thầu không phải người dùng thuốc. Chưa hết, không loại trừ có ai đó đặt câu hỏi “anh chọn thuốc đó vì cái gì?” và dễ nảy sinh tiêu cực. Trong khi từng BV mới là nơi sử dụng thuốc và BV biết nên dùng thuốc nào.
Còn đấu thầu - kể cả tập trung lẫn riêng lẻ - thì còn hiện tượng “quân đỏ, quân xanh”, còn hiện tượng muốn chấm doanh nghiệp nào trúng thì chấm. Lúc còn là phó giám đốc phụ trách dược ở Sở Y tế TP.HCM, khi kiểm tra việc đấu thầu riêng lẻ, chúng tôi ghi nhận có những BV xây dựng tiêu chí thầu rất vui. BV xây dựng viên thuốc đó phải có hình dạng, màu sắc thế này thế nọ, có rãnh ở giữa hay không. Nó giống “hoa hậu chỉ định sẵn” vậy đó.
Bây giờ, với việc thành lập TTMS mới trực thuộc UBND TP.HCM, hy vọng chúng ta sẽ nhìn lại những bài học trước đó.
Một năm BV nhận bao nhiêu bệnh nhân, nhân lên số tiền để mua thuốc. BHYT sẽ thanh toán một khoản tiền ngay từ đầu cho BV, BV sẽ tự tìm nguồn thuốc để mua. Nếu TP.HCM làm được chuyện tính toán định suất cho các BV thì hay nhất.
Nên tính định suất cho các bệnh viện
. Theo bà, TTMS mới trực thuộc UBND TP.HCM sẽ hoạt động ra sao cho hiệu quả?
+ Theo quan điểm của tôi, coi chừng “bình mới rượu cũ”. Bởi một khi trực thuộc UBND TP.HCM thì mức độ chủ động của TTMS sẽ cao hơn và không lệ thuộc vào Sở Y tế. Tuy nhiên, nó lại dễ dẫn đến tình trạng chậm trễ.
. Nếu thành lập TTMS trực thuộc UBND TP.HCM, thành phần gồm những ai, thưa bà?
+ Đây là thẩm quyền của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, theo tôi, trung tâm này phải có sự giám sát và đặc biệt là huy động người từ Sở Tài chính, Sở KH&ĐT và những đơn vị sở chuyên nghiệp về đấu thấu… Tuy nhiên, đấu thầu gì thì đấu thầu, vẫn không loại trừ câu chuyện danh mục từ các BV đưa lên.
Nói chung, nếu muốn thay đổi tận gốc thì không đấu thầu gì cả là tốt nhất.
. Bà có thể giải thích thêm câu “nếu muốn thay đổi tận gốc thì không đấu thầu gì cả là tốt nhất”?
+ Các BV tư nhân có đấu thầu gì đâu mà vẫn mua được thuốc chất lượng tốt, giá cả hợp lý. Còn Nhà nước suốt ngày cứ bàn ra tán vô chuyện đấu thầu, mà còn năm sau giá phải rẻ hơn năm trước.
Tại sao năm sau phải rẻ hơn năm trước? Ví dụ năm đầu tiên làm đấu thầu, tôi sẽ gom tất cả kết quả đấu thầu để đưa ra một giá. Sau đó, gom tất cả giá rồi báo cáo lên BHXH. BHXH sẽ lựa ra giá thấp nhất và giá thấp nhất này sẽ được sử dụng để làm giá kế hoạch cho sang năm. Giá kế hoạch sang năm khi tiến hành đấu thầu thì điều kiện tiên quyết là giá trúng thầu phải thấp hơn giá kế hoạch. Vậy rõ ràng năm sau trúng phải thấp hơn năm trước rồi.
Tiết kiệm vài đồng từ đấu thầu liệu có trả lại được thời gian kéo dài ngày điều trị và chất lượng điều trị không?
Theo tôi, bỏ tư tưởng chọn thuốc giá rẻ đi. Thuốc có hai nhóm: Thuốc tốn tiền nhiều nhất là nhóm brand name. Nhóm thuốc này nên được đàm phán giá ở cấp Bộ Y tế hoặc Chính phủ.
Trong khi nhóm thuốc generic đa số rẻ. Nhóm thuốc này không tổ chức đấu thầu mà chỉ nên tính định suất. Một năm BV nhận bao nhiêu bệnh nhân, nhân lên số tiền để mua thuốc. BHYT sẽ thanh toán một khoản tiền ngay từ đầu cho BV, BV sẽ tự tìm nguồn thuốc để mua, khỏi phải ngồi xem xét giá rẻ, giá đắt. Nếu TP.HCM làm được chuyện tính toán định suất cho các BV thì hay nhất!
Câu đầu miệng “năm nay nhờ đấu thầu tiết kiệm nhiều tỉ đồng” là không có cơ sở. Vì sao? Chẳng qua xây dựng giá kế hoạch, xong tới lúc đấu thầu ép doanh nghiệp nếu không rẻ không trúng thầu. Do vậy, doanh nghiệp bằng bất cứ giá nào cũng phải trúng thầu. Cuối cùng, thuốc trúng thầu không đạt chất lượng, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Nhân lực y tế thay vì tập trung vào chuyên môn, đằng này phải ngồi so đọ giá cả, xây dựng hồ sơ. Lại còn chuyện vướng vào vòng lao lý do đấu thầu sai quy định. Đương nhiên ai sai nếu chứng minh được tiêu cực thì xử nhưng cũng có những trường hợp sai rất vô tình, không hiểu biết, gấp gáp… Ngồi xét quy trình đấu thầu, không sai cái này cũng sai cái kia. Cho nên quá tốn kém và không đi tới đâu cả. Nước ngoài có đấu thầu như Việt Nam ta không?
. Theo bà, nếu không đấu thầu thì có mô hình nào giúp BV có thể chủ động trong việc tìm nguồn thuốc, vật tư y tế?
+ Theo tôi, cho các BV quyền tự chủ. Cứ giao cho khoản tiền, miễn làm sao BV hoàn thành nhiệm vụ. Năm nay, BV khám chữa bệnh cho bao nhiêu bệnh nhân, tỉ lệ hài lòng bao nhiêu, tỉ lệ tử vong bao nhiêu… BV làm sao ra được kết quả đó là do BV. Cứ thử làm đi, BV nào khéo tìm nguồn thuốc vừa rẻ vừa chất lượng sẽ mang lợi cho bệnh nhân, nhân viên của BV cũng sẽ được thu nhập cao.
. Xin cám ơn bà.•
Không đâu như Việt Nam, cùng lúc tồn tại hai loại giá ở một BV, vừa giá dịch vụ vừa giá BHYT, lại còn đòi hỏi hai giá đó phải có chất lượng như nhau.
Mặc dù lãnh đạo TP.HCM sốt ruột việc thành lập TTMS nhưng tôi thấy đường ra còn nan giải lắm. Chúng ta không thay đổi được gì về luật nên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như TTMS trước đây trực thuộc Sở Y tế TP.HCM.
Ngành y tế cứ loay hoay tìm thuốc giá rẻ, không tiết kiệm được nhiều chi phí mà còn mất cán bộ trong ngành. Mất cán bộ là mất cái lớn nhất, đau xót nhất. Còn nữa, người bệnh không tiếp cận được thuốc đủ chất lượng nên kéo dài thời gian điều trị. BS cũng dễ nản lòng do điều trị bệnh nhân lâu hết. Điều này khiến ngành y tế thụt lùi. Cuối cùng, người trả giá là bệnh nhân.
PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN