Ngày 2-3, em Võ Trường Xuân được gia đình mua vé hạng thương gia của hãng Emirates Airlines (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) bay từ Mỹ về TP.HCM đã bị đẩy xuống đi ghế hạng thường. Điều đáng nói, đây là khách hàng dưới 18 tuổi.
Vật vạ chờ nối chuyến
Bức xúc trước cách hành xử của hãng hàng không khá tiếng tăm này với con mình không đúng hạng vé đã đặt mua, phụ huynh thông tin: Vì con gái còn nhỏ lại bay một mình, với chặng bay dài từ Mỹ về TP.HCM, trong đó có thời gian quá cảnh tại Dubai nên gia đình khá lo lắng cho hành trình của con mình.
Theo đó, gia đình đã đặt mua vé hạng thương gia để đảm bảo con của mình đi đến nơi một cách an toàn khi không có người thân đi cùng. Theo lịch trình, chuyến bay từ Mỹ quá cảnh tại Dubai đã không kịp nối chuyến về TP.HCM nên Xuân một mình phải vật vờ một ngày một đêm tại sân bay để chờ chuyến kế tiếp.
“Thực tế, chuyến bay nối chuyến ấy vẫn không bị hủy như thông báo vì nhiều hành khách trên chuyến bay cùng Xuân đã làm thủ tục và lên máy bay bình thường” - phụ huynh nói.
Hôm sau, khi đã có chuyến bay về TP.HCM, nhân viên hãng hàng không này thông báo với Xuân “đây là vé hạng thường nên xếp ghế hạng thường”.
Bất ngờ vì thông báo này, khách này đã đưa vé hạng thương gia ra thì nhân viên của hãng này tại sân bay Dubai lại phản hồi đã hết ghế hạng thương gia, phải đi hạng thường.
“Tôi không hiểu tại sao một hãng hàng không nổi tiếng lại làm việc thiếu trách nhiệm như vậy. Tôi không thể chấp nhận hãng Emirates Airlines đã đối xử bất công với một đứa trẻ khi chúng không có người thân bên cạnh. Phải chăng hãng Emirates Airlines coi thường hành khách và trẻ em” - phụ huynh này bức xúc.
Dù bỏ khá nhiều tiền để mua vé hạng thương gia nhưng hành khách nhỏ tuổi đã bị đẩy xuống hạng thường. Ảnh: AN NHIÊN
Ai chịu trách nhiệm?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Dương Đông, quản lý đại lý vé máy bay Blue Sky Travel tại TP.HCM, nơi bán vé cho khách Võ Trường Xuân, thừa nhận có vụ việc này và cho biết đang nỗ lực phối hợp với phụ huynh để giải quyết những vướng mắc phát sinh vì đây là khách hàng tiềm năng.
Theo ông Dương, chuyến bay của khách nói trên vào thứ Bảy, trùng với ngày nghỉ nhưng khi hãng Emirates Airlines thông báo trễ chuyến bay kế tiếp đối với khách nhỏ tuổi này, ông đã liên hệ với khách hàng, đồng thời liên hệ đại diện của hãng này tại Việt Nam để tìm phương án hỗ trợ khách hàng.
“Tuy nhiên, nơi này lại phản hồi: Phạm vi giải quyết thuộc về đơn vị khai thác tại sân bay Dubai nên không thể can thiệp” - ông Đông nói.
Trước thắc mắc của khách hàng về phương án khắc phục hậu quả do cung cấp dịch vụ không đúng với thực tế lẽ ra họ được hưởng, ông Đông cho rằng đại lý đã giao đúng đủ số lượng cho khách hàng, tuy nhiên khi có các phát sinh đại lý vẫn đồng hành hỗ trợ khách hàng.
Trong khi đó, đại diện của hãng Emirates Airlines tại Việt Nam cũng xác nhận các thắc mắc và phản hồi của hành khách là hoàn toàn chính đáng.
Tuy nhiên, nơi này lại cho rằng vấn đề này thuộc về nơi khai thác của chuyến bay và hướng dẫn khách điền thông tin liên quan trong hành trình chuyến bay vào một đường link của hãng, trong đó có yêu cầu bồi thường những thiệt hại gì chứ không thuộc thẩm quyền trả lời của họ.
Khiếu nại đại lý bán vé
Trong trường hợp này, gia đình có quyền khiếu nại đại lý bán vé và yêu cầu bồi thường, vì một phần thỏa thuận không đúng, gây thiệt hại về vật chất do chênh lệch giá vé giữa hạng thương gia và hạng thường khá lớn. Trong trường hợp đại lý trả lời không thỏa đáng thì gia đình tiếp tục khiếu nại lên hãng, vì khách hàng chỉ thỏa thuận giao dịch với đại lý và đại lý có trách nhiệm liên quan liên hệ với hãng để phản hồi đến khách hàng. Nếu trả lời không thỏa đáng, khách hàng có quyền khởi kiện. Luật sư NGUYỄN KIỀU HƯNG, điều hành hãng luật Giải Phóng |