Nâng mức giảm trừ gia cảnh hỗ trợ kịp thời cho người dân - Bài 1

Mức giảm trừ quá thấp, người dân phải chịu thuế cao

(PLO)- Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để tháo gỡ khó khăn hỗ trợ đời sống người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2024 mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ đời sống của người dân. Mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hiện được áp dụng từ tháng 7-2020, nhiều ý kiến đề xuất cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tế khi chi phí sinh hoạt, giá cả hàng hóa, dịch vụ đã tăng cao.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mỗi năm giá cả hàng hóa, dịch vụ lại tăng khiến người dân phải tăng thêm chi phí trang trải cuộc sống, mức giảm trừ gia cảnh Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) do đó cũng cần phải sửa đổi.

Quy định đi sau vật giá gây khó khăn

Từ giữa năm 2023 thu nhập của vợ chồng anh Quốc Lâm (quận 12, TP.HCM) bắt đầu giảm vì công ty giảm đơn hàng, doanh thu sụt giảm, nhiều khoản thưởng hằng tháng cho người lao động bị cắt.

Anh Lâm cho biết tổng thu nhập của hai vợ chồng hiện chỉ khoảng 35 triệu đồng/tháng, theo quy định, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/người/tháng, tính ra hai người là 22 triệu đồng/tháng. Anh Lâm có một con nhỏ, được giảm trừ người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Tính ra số tiền được giảm trừ gia cảnh không phải chịu thuế TNCN của vợ chồng anh Lâm là 26,4 triệu đồng/tháng.
Mức thu nhập còn lại là 8,6 triệu đồng, sau khi trừ các khoản bảo hiểm thì mức thu nhập chịu thuế TNCN khoảng 7 triệu đồng/tháng. Như vậy, một năm tiền thuế thu nhập phải nộp hơn 8 triệu đồng (10% của 7 triệu đồng/tháng).

“Đáng nói là chi phí sinh hoạt cuộc sống gồm tiền điện, nước, gas… đều tăng. Tiền thuê nhà cũng từ 6 triệu đồng/thángnăm ngoái, đầu năm nay tăng lên 7 triệu đồng/tháng. Tất cả đều tăng, trừ thu nhập, nên gia đình tôi phải tiết kiệm hơn” - anh Lâm chia sẻ.

Ngoài ra, anh Lâm cho biết chi phí học hành, ăn uống cho con cái ở đô thị cũng tăng. Chi phí cho con tiết kiệm lắm cũng phải 6-7 triệu đồng/tháng trở lên. Nên theo anh Lâm cần nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với thực tế chi phí sinh hoạt hiện nay.

Là giảng viên một trường ĐH, chị Minh Anh (TP Thủ Đức) cho biết thu nhập của chị khoảng 35 triệu đồng/tháng, chồng làm kinh doanh tự do nên thu nhập không ổn định.

Theo chị Minh Anh, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với chi phí trang trải cuộc sống của người dân, nhất là ở đô thị.

w-P11-H1.jpg
Quy định đi sau vật giá khiến nhà nhà “thắt lưng, buộc bụng”. Ảnh: QUANG HUY

Thu nhập của chị sau giảm trừ gia cảnh 15,4 triệu đồng/tháng (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu đồng/người/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng/con) thì khoản phải nộp thuế TNCN của chị Minh Anh là 19,6 triệu đồng/tháng, rơi vào bậc 4 theo biểu tính thuế TNCN cho phần thu nhập tính thuế 18-32 triệu đồng/tháng với mức thuế suất 20%. Tính ra mỗi tháng chị phải đóng số tiền thuế hơn 3,9 triệu đồng, cả năm lên tới 46,8 triệu đồng là số thuế TNCN mà chị Minh Anh nộp.

“Mức giảm trừ gia cảnh quá thấp, nhất là người phụ thuộc vì thực tế người phụ thuộc như con cái, cha mẹ hay ông bà, chi phí cuộc sống thậm chí còn bằng hoặc cao hơn cá nhân người nộp thuế. Như học phí, viện phí, thuốc men, thậm chí điều trị bệnh nan y, hiểm nghèo đều tăng, với mức 4,4 triệu đồng/tháng là quá lạc hậu” - chị Minh Anh nói.

Nhanh chóng nâng mức giảm trừ trong năm 2024

Trước sự lạc hậu của mức giảm trừ gia cảnh, nhiều ý kiến đề nghị cần phải sửa trong năm 2024 thay vì đợi khi Luật Thuế TNCN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5-2026 mới điều chỉnh.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho rằng đợi đến năm 2026 mới điều chỉnh với thực tế.

Lý do mỗi năm giá cả hàng hóa, dịch vụ đều tăng khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên, sau dịch COVID-19 tăng khoảng 20%-30%. Chưa kể hiện nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng của sự biến động đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột chính trị trên thế giới khiến chi phí đầu vào lẫn đầu ra của doanh nghiệp đều tăng cao.

giảm trừ gia cảnh.jpeg
Việc cơ quan quản lý xem xét quy định khấu trừ các chi phí sinh hoạt thiết yếu này vừa giảm gánh nặng cho người dân, vừa giúp quản lý thuế chặt chẽ hơn. Ảnh: QUANG HUY

“Theo tôi, nên tăng mức giảm trừ gia cảnh gấp bốn lần theo lương tối thiểu vùng để phù hợp với mức sống của người lao động, giảm chênh lệch giữa các vùng miền. Chẳng hạn, TP.HCM có mức lương tối thiểu vùng là 4,68 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh gấp bốn lần gần 19 triệu đồng, thay vì mức 11 triệu đồng/tháng như hiện nay. Mức giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc bằng 40% mức giảm trừ của người nộp thuế tính ra gần 8 triệu đồng/người/tháng, thay cho mức chỉ 4,4 triệu đồng/người/tháng hiện hành” - luật sư Nghĩa đề xuất.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho biết quy định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN đã không còn phù hợp. Do đó, cần xem xét sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn về thời gian và mức biến động quy định trong luật khoảng 10%.

Ngoài ra, chuyên gia thuế Trần Xoa kiến nghị cần sớm có nghị quyết nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN để gỡ khó cho người dân ngay trong năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nhiều chi phí sinh hoạt thiết yếu không được khấu trừ

Ông Đức Tân (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết khác với quy định thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều chi phí sinh hoạt của người dân không được khấu trừ khi tính thuế TNCN dù có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Theo ông Tân, rất nhiều chi phí hằng tháng không được khấu trừ bên cạnh các chi phí cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống, sinh hoạt cá nhân. Ví dụ tiền thuê nhà, đây là chi phí rất lớn, gánh nặng của nhiều người dân làm việc ở đô thị. Thứ hai là tiền học như học ngoại ngữ, học nâng cao trình độ, chuyên môn. Thứ ba là lãi vay mua nhà ở phải trả hằng tháng.

“Người phụ thuộc như con cái, cha mẹ cũng có những chi phí cuộc sống chính đáng không được khấu trừ. Cụ thể như học phí, mua dụng cụ học tập, học ngoại ngữ, viện phí, thuốc men điều trị… hiện đều có hóa đơn điện tử, chỉ cần người nộp thuế cung cấp đủ thì cần được khấu trừ khi tính thuế TNCN. Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng việc cơ quan quản lý xem xét quy định khấu trừ các chi phí sinh hoạt thiết yếu này vừa giảm gánh nặng cho người dân, vừa giúp quản lý thuế chặt chẽ hơn.

“Nếu các khoản phí được khấu trừ thì người nộp thuế sẽ lấy hóa đơn. Và khi đó, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sẽ xuất hóa đơn khi bán hàng, qua đó doanh thu sẽ dễ kiểm soát, tránh được thất thu ngân sách rất lớn” - ông Sơn đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm