Mục tiêu năm 2024 đưa vào sử dụng ít nhất 130 km đường cao tốc

(PLO)- Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ những dự án giao thông, đồng thời đề ra mục tiêu đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc trong năm nay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ban hành chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án

Theo đó, Bộ trưởng nhận định năm nay ngành tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi đang triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng quốc gia với quy mô lớn. Trong khi công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã đi sớm một bước nhưng vẫn còn tồn tại, vướng mắc, việc cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp vẫn còn khó khăn, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp khó lường...

Vì vậy, người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (QLDA) đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước; xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.

Chủ đầu tư, Ban QLDA đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn đối với các dự án khởi công mới, đặc biệt đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Năm 2024 Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác ít nhất 130km đường cao tốc.
Năm 2024, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác ít nhất 130 km đường cao tốc.

Thêm vào đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị trên chủ động, quyết liệt chỉ đạo, cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng....

Chủ đầu tư, Ban QLDA phải thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện - giải ngân của từng dự án, gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý. Đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm chất lượng công trình, coi việc bảo đảm chất lượng là ưu tiên hàng đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án.

“Năm nay phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó các dự án có nguồn vốn kéo dài từ kế hoạch năm 2023 phải giải ngân toàn bộ trước ngày 31-12-2024”- Bộ trưởng yêu cầu.

Điều hòa linh hoạt kế hoạch vốn giữa các dự án

Vụ Kế hoạch - Đầu tư được Bộ GTVT giao chủ động đề xuất các giải pháp xử lý điều hành kế hoạch, điều hòa linh hoạt kế hoạch vốn giữa các dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2024; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Bộ trưởng cũng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Cục Đường cao tốc Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật đối với các dự án do các địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chủ quản, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, đường liên kết vùng và các dự án trọng điểm.

Cụ thể ở đây là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất….

“Trong năm 2024 phải đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc, sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn…”- Bộ trưởng chỉ đạo.

Cuối cùng, người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh, kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2024 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng.

Theo đề xuất của Chính phủ, ngành GTVT dự kiến được phân bổ số vốn "khủng nhất" hơn 57.735 tỉ đồng (tương đương 2,5 tỉ USD), chiếm hơn 92,5% tổng vốn phân bổ cả giai đoạn là hơn 63.700 tỉ đồng (tương đương 2,7 tỉ USD).

Bộ GTVT cho biết, trong năm 2024, Bộ này sẽ phấn đấu hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm