Mùng 5 hay mồng 5 là Tết Đoan ngọ?

(PLO)- Đấy là câu hỏi mà những người con như tôi lại đặt ra cho mình để nhớ về một thuở ấu thơ với ngày Tết đặc biệt này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hình như ngày của ngày xưa dài lắm và Tết thì mỗi năm có một lần. Trẻ con là tôi và bạn lúc bấy giờ nghe Tết lâu quá mới tới, thảng có lúc còn thắc mắc cùng nhau sao Tết ít vậy cả năm mới có một lần rồi lại còn nhanh hết!

Rồi qua Tết cả đận dài mới cập kê mùng 5 tháng năm là xem như đang tiến gần tới cái Tết mới. Tôi nhớ mình đã lầm thầm tính toán vậy chỉ là còn nữa thời gian nữa là Tết tới!

Mùng năm tháng năm như ngày hội của bọn trẻ con chúng tôi ngày đó bởi cha mẹ chúng đang bôn ba đầu tắt mặt tối với công việc hàng ngày thì bất ngờ ngưng lại à à mai mồng 5 rồi, rồi chợ búa mua sắm cúng kiến và xem như được ăn cái Tết nữa mùa trong năm thật thích thú.

Thức cúng mùng năm với cây trái trong vườn. Ảnh: LƯU BÌNH.

Thức cúng mùng năm với cây trái trong vườn. Ảnh: LƯU BÌNH.

Chợ sẽ bán thêm những mặt hàng khác ngày thường, trái cây thì kìn kìn đủ loại màu sắc sặc sỡ, bánh ú tro xe chở lút ngọn che luôn cả người bán. Và ngày xưa thì còn thêm nghe tiếng vịt cạp cạp ồn quanh chợ, ngõ nhà tôi mới đây thôi sáng mùng năm ba, bốn giờ sáng đã nghe tiếng vịt cạp cạp ồn ã cả góc phố.

Bánh ú tro

Bánh ú tro

Rồi như có phép thần thông đầu giờ chiều đã chợ tan vãn vắng teo như chưa từng có, như buổi sáng chỉ là giấc mơ qua, cái xe có ngọn bánh ú tro biến mất như chỉ hiện hình trong ta nghĩ, hay thật; để biết rồi thì sẽ ít người cúng kiến mùng năm nhưng ăn mùng năm thì sẽ còn mãi khi chúng ta còn là dân Việt.

Thật vậy, nhớ mùng năm với những thủ tục và món ăn mùng năm sẽ còn mãi trong chúng ta mặc cho suy nghĩ đó là cái Tết ngoại lai hay sao đó thì mùng năm tháng năm vẫn tồn tại.

Tồn tại trên cái gánh lá mùng năm tôi đi chợ mùng năm và mua của bà má có nụ cười thật đẹp vẫn còn dùng chữ "qua" trong danh xưng, mà đâu phải còn, mới đây còn nghe được từ miệng của vị chủ tịch công ty nổi tiếng giàu có hàng bậc nhất; vậy ra bà má đâu có lạc hậu trong cả cái gánh hàng và trong cả lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Hàng của bà xôn xao người mua bán; người bốc thêm nhiều lá lạc tiên vì mất ngủ, kẻ thêm cây dủ dẻ trị dạ dày, người thì muốn thứ kim thảo gây mùi thơm đặc trưng của lá mùng năm.

Chè kê pha với chè đậu xanh. Ảnh: LƯU BÌNH

Chè kê pha với chè đậu xanh. Ảnh: LƯU BÌNH

Gánh lá mùng năm là điểm dừng không chỉ riêng tôi; bởi cái mùi thơm đã phát ra từ lá khô, mặt hàng nhìn thì như lá khô vậy mà cỏ khô có tình, mùi vẫn thơm nức lúc cầm trên tay; thứ mùi thơm cho tôi nhớ mùi thơm bếp mùng năm nhà mẹ.

Bếp mùng năm nhà mẹ có nồi nước lá mùng năm sôi ùng ục tỏa hương và trưa mùng năm trong lúc bàn cúng còn thắp hương giữa sân thì lũ nhỏ được xua ra đúng ngọ ngửa mắt hướng lên trời.

Thật ra thì tôi rất ma lanh có khi nào chịu mở mắt thật to đâu, giã đò vậy rồi hấp hiu mắt và miệng thì hét xong rồi xong rồi!! Mà chắc gì mỗi tôi làm chuyện đó, hay đám nhỏ kia chúng còn láu cá hơn tôi!

Mà sao thì cái thủ tục ngửa mắt lên trời giờ ngọ cũng được bọn nhỏ hoàn thành và cha mẹ chúng cũng đã rất hài lòng hạ bàn cúng, tắt hương, bày bánh trái và chỉ còn mỗi việc thưởng thức quà mùng năm.

Nấu nước lá mùng năm là một tập tục hay nhất cho đến nay; bằng chứng là hết mùng năm thì chúng tôi vẫn uống nước lá thường xuyên, con dâu tôi sắp sinh là dặn dò mẹ làm lá nước uống bằng các thứ lá quanh vườn như lá dủ dẻ, chùm ngây, sake, bọc đường, chát ngấy, lá đinh lăng, kim thảo, hương nhu, vối, chè xanh...

Uống quen các thứ nước lá đến không thể uống nước trắng không mùi vị thay thế.

Sáng mùng năm tôi đi chợ mùng năm mua lá mùng năm nấu nước uống mùng năm. Thứ nước lá trừ bách bệnh, đâu đã có bệnh thì ngừa bệnh, mà có phải cần bệnh không khi nồi nước đang sôi trong nhà thì mùi nước lá mùng năm thơm tỏa khắp căn bếp làm quay quắt nhớ căn bếp của mẹ da diết…

Hôm nay tôi lại nấu nước lá để các con nhớ mùi mà tìm về như mẹ tôi đã từng nấu trong căn bếp cũ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm