Ngày này thường thì con cái ra riêng mang vịt về nhà nội ngoại làm mâm cỗ. Thông gia cũng mang vịt tới nhà biếu nhau.
Vịt ngày Mồng 5 ngon hơn vịt ngày thường. Mùa này vịt béo và ngon nhất. Không nhỏ cũng không quá lớn, sau khi đã qua mùa chạy đồng. Thịt vịt thơm lừng và đầy chất, vì no tròn bởi lúa rơi vãi, ốc, cua và cả cá tép giao thời mùa gặt.
Hồi nhỏ vào ngày này thì cha mẹ đi tìm lá Mồng 5. Lá Mồng 5 là tổng hợp nhiều loại lá từ lá bưởi, chanh, sả, tre... về nấu rồi đổ ra thau cho mấy đứa nhỏ tắm. Lá Mồng 5 mọc quanh nhà chứ không khó tìm như lá Diêu Bông mà vị nhạc sĩ nào đó từng sáng tác.
Đang vào mùa hè, nắng nóng gió Lào phả liên hồi, mấy đứa nhỏ nổi rôm sảy đầy người. Rôm sảy nổi lên lấy tay gãi nổ nước lách tách. Có mấy người còn lấy dao thái chuối cho heo ăn cạo trên lưng nghe rột rột. Rôm sảy vỡ ra là trên lưng bung vảy trắng.
12 giờ trưa mang mấy đứa nhỏ ở lỗ trụng vào thau nước lá Mồng 5 đặt giữa sân tắm để cầu mong suốt năm không có rôm sảy, mụn nhọt. Tắm xong rồi thì mắt ngó lên nhìn mặt trời, chớp chớp để mắt sáng quanh năm. Nhìn một chặp hoa mắt thấy tối thui.
Ngày Mồng 5 lạ lắm, thằn lằn với côn trùng trong nhà chạy trốn đâu mất tiêu, tìm hoài không ra, trong khi đó ngày thường nhiều vô số còn chạy cắn đuôi nhau trên tường nhà.
Nếu giữa trưa Mồng 5 mà bắt được con thằn lằn thì hơn trúng số. Bỏ nó vào chậu thau, đổ nước và bê ngay ra giữa sân tắm còn có tác dụng hơn cả lá Mồng 5.
Ngày Mồng 5 ngày càng phai nhạt, lũ trẻ giờ không còn được tắm và chạy ra nhìn mặt trời chớp chớp để sáng mắt nữa.