Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương, tết diệt sâu bọ... là một ngày lễ đặc biệt quan trọng trong truyền thống người Việt Nam. Tết này diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm.
Đây là thời gian chuyển mùa, chuyển tiết trong năm, dịch bệnh dễ phát sinh. Theo tập tục, mọi người sẽ diệt trừ sâu bọ bằng việc ăn hoa quả, rượu nếp... Tùy vào từng vùng miền và dân tộc sẽ có những vật phẩm cho mâm cỗ cúng khác nhau.
Tại một số chợ trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM), ngoài những mặt hàng thiết yếu hàng ngày thì hàng hóa đặc trưng trong dịp Tết Đoan Ngọ của 3 miền được đều được bán nhằm phục vụ những người xa xứ đang học tập và làm việc tại đây.
Bánh ú lá tre là món bánh quen thuộc trong Tết Đoan Ngọ ở miền Nam. Giá mỗi xâu 10 bánh dao động từ 35 đến 70.000 đồng. Tuy nhiên nếu người mua có nhu cầu thì vẫn bán lẻ.
Theo quan niệm dân gian, vị nồng cay của rượu nếp sẽ khiến các loại kí sinh trùng trong cơ thể bị tiêu diệt.
Cơm rượu nếp cái, cơm rượu nếp cẩm... được bán rất nhiều tại các chợ trong ngày này.
Chè trôi nước bán khá đắt hàng. Bên cạnh viên chè làm bằng bột nếp trắng, nhân đậu xanh ăn kèm với nước cốt dừa, người ta có bán cả bánh làm từ bột có trộn lá dứa và lá cẩm để phong phú hơn về màu sắc và hương vị.
Lá xông có tác dụng treo trong nhà, nấu nước uống hoặc xông để “diệt sâu bọ”. Mỗi bó lá xông có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng gồm các loại lá như sả, đinh lăng, trầu không, ngũ trảo, lá bưởi, xương rồng…
Ở miền Trung, thịt vịt thường xuất hiện trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ do theo Đông y, thịt vịt có tính mát, bổ, giải nhiệt trong những ngày tháng 5 nóng bức. Tại chợ Thủ Đức, mỗi con vịt quay có giá 200.000 đồng.
Hoa cúng ngày Tết Đoan Ngọ có rất nhiều loại, giá tăng một chút so với ngày thường. Loại hoa được mua nhiều nhất vẫn là hoa cúc.
Chị Trương Thị Nga (quận Thủ Đức) cho biết: ”Ngày bình thường tôi mua một bó cúc nhỏ để bàn thờ chưa đến 20.000 mà hôm nay lên đến tận 30.000 trong khi hoa lại không đẹp như mọi bữa”
Các loại trái cây như nhãn, chôm chôm, vải, măng cụt, bòn bon... đều đồng loạt tăng giá.
Mận hậu, loại quả miền ở miền bắc tuy giá không hề rẻ (từ 60.000 đến 100.000 đồng/kg) nhưng lại được nhiều người ưa chuộng.
Bên cạnh đó là vải thiều giá cũng mắc không kém khi mỗi ký vải có giá từ 60 đến 80.000 đồng, tùy theo sạp và chất lượng, kích cỡ, vải khô hay vải ướt (vải có ướp đá lạnh).
Tuy giá thành tăng là vậy nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận để có một mâm cỗ cũng tươm tất dâng lên ông bà, tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính trong dịp Tết giữa năm này.
Bánh quy lá dứa, món bánh trong dịp đặc biệt của người miền Tây cũng được bày bán để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.