Xóm bánh ú lá tre trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) đã có từ rất lâu, theo những người lớn tuổi thì "chừng hơn 50 năm thôi". Cứ thế, “cha truyền con nối”, cả xóm từ già đến trẻ hầu hết đều thuần thục nghề làm bánh ú lá tre.
Từ những ngày đầu tháng 5 (âm lịch), các lò bánh đã bước mùa vụ, tấp nập người làm đủ công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu, làm nhân, gói bánh, nấu bánh... để kịp giao khách đặt mua từ khắp mọi nơi. Nói là người làm chứ cũng chẳng xa xôi gì, toàn anh em, họ hàng của chủ lò, không cần hẹn trước mà cứ dịp này là tụ họp lại rồi cùng nhau làm bánh.
Gạo gói bánh ú được ngâm trong nước ba ngày trước khi gói thành bánh. Tùy khẩu vị của khách hàng người ta có thể thêm nước cốt lá dứa vào nếp để bánh có màu sắc đẹp và mùi thơm dịu.
Bánh ú lá tre là một món bánh truyền thống của người dân Sài Gòn mỗi dịp Tết Đoan Ngọ (Tết diệt sâu bọ). Trên mâm cúng, bên cạnh các loại trái cây, rượu nếp, thì những chiếc bánh ú lá tre là lễ vật không thể thiếu được dâng lên cúng tổ tiên, trời đất.
Nhân bánh được làm từ đậu xanh nghiền nhuyễn, thêm đường rồi trộn thêm mứt bí và sầu riêng để có được mùi thơm và độ ngậy.
Lò bánh của anh Nguyễn Văn Trí (51 tuổi) nhập lá tre từ Phước Long về. “Giá lá tre năm nay tăng lên 50.000 đồng/kg, cao hơn năm trước nên giá bánh cũng buộc phải tăng theo chút đỉnh”, anh Trí cho hay.
Phụ nữ trong nhà vo gạo, nặn nhân, rửa lá, gói bánh, còn đàn ông đảm nhiệm công việc nấu, vớt bánh. Mỗi người mỗi việc, tiếng trò chuyện, nói cười râm ran khắp con hẻm nhỏ.
Sau khi luộc khoảng 4 tiếng, người ta vớt bánh ra, rửa sơ qua nước lạnh rồi để nguội cho bánh không dính rồi mới đếm cho thương lái.
“Làng làm bánh ú lá tre ngày Tết Đoan ngọ ở đây có từ lâu đời rồi. Từ nhỏ tôi đã phụ mẹ làm bánh, ở đây người nào không biết làm bánh là không được”, bà Lê Thanh Cúc (68 tuổi) chia sẻ.
Ở lò bánh Chín Lan, muốn có bánh phải đặt trước cả tuần hoặc hơn, nếu đặt muộn lò sẽ không có bánh để giao.
Mỗi xâu bánh thường được bán sỉ với giá 300.000 đồng. Ở đây, mỗi xâu có 60 bánh.
Bánh được gói từ mùng 1 để kịp giao cho khách. Thậm chí mọi người phải thức suốt đêm làm bánh và nấu mới kịp giao cho thương lái.
Trong những ngày này, lò bánh nào cũng đỏ lửa ngày đêm. Mùi khói, mùi củi khô cùng hương thơm của những chiếc bánh ú mới vớt ra bay khắp xóm.
Từ chiều mồng 3, nhiều thương lái đã tới đây lấy bánh về bán, có người bán ở chợ, có người bán online. Một thương lái cho biết phải tới lấy bánh sớm mới có đủ hàng để bán, bởi qua ngày mai là hầu như lò bánh nào cũng cháy hàng.
Từ mồng 3, trên đường Phạm Thế Hiển đã bắt đầu bày bán bánh ú lá tre. Theo những người bán hàng, từ mồng 4 sẽ đông đúc và nhộn nhịp hơn.
Bánh ú lá tre – món ăn truyền thống của người dân Sài Gòn trong dịp Tết Đoan Ngọ.