Việc chở hàng trên nóc xe ô tô có thể mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên nó có thể khiến chiều cao của xe tăng đáng kể, gây khó khăn nếu đi qua những đoạn đường có giới hạn chiều cao ô tô, ảnh hưởng đến độ cân bằng của xe trong quá trình lưu thông.
Ngoài những khó khăn đó, chủ xe cũng có thể bị xử phạt nếu chở hàng cồng kềnh không đúng quy định.
Quy định về xử phạt hành vi chở hàng trên nóc xe
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Nghị định số 100/2019 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) trong đó có quy định về mức xử phạt đối với hành vi chở hàng trên nóc xe, cụ thể như sau:
“1. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;
b) Điều khiển xe xếp hàng trên nóc buồng lái, xếp hàng làm lệch xe;
c) Không chốt, đóng cố định cửa sau thùng xe khi xe đang chạy.
2. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng), trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng;
b) Chở hàng trên nóc thùng xe; chở hàng vượt quá bề rộng thùng xe; chở hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe;
c) Chở người trên thùng xe trái quy định; để người nằm, ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy;
d) Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) bằng văn bản giấy theo quy định hoặc không có thiết bị để truy cập vào được phần mềm thể hiện nội dung của Giấy vận tải (Giấy vận chuyển) theo quy định hoặc có thiết bị để truy cập nhưng không cung cấp cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu;
đ) Điều khiển xe kéo theo rơ moóc, sơ mi rơ moóc mà khối lượng toàn bộ (bao gồm khối lượng bản thân rơ moóc, sơ mi rơ moóc và khối lượng hàng chuyên chở) của rơ moóc, sơ mi rơ moóc vượt khối lượng cho phép kéo theo được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30%.”
Ngoài ra căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 24 của Nghị định số 100/2019, chủ xe có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng đối với hành vi chở hàng trên nóc xe.
Tự ý lắp thêm giá nóc xe ô tô có thể bị trượt đăng kiểm?
Theo quy định tại Điều 4a Thông tư 43/2-23 của Bộ GTVT, trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi nhưng không được coi là cải tạo có nhiều quy định mới so với trước đây. Trong đó, việc lắp, thay thế hoặc tháo bỏ giá nóc của ô tô con tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất mà không làm thay đổi chiều rộng toàn bộ của xe được coi là không cải tạo.
Tuy nhiên, khi chủ xe tự ý lắp đặt thêm giá nóc làm thay đổi kích thước xe theo quy định của nhà sản xuất có thể bị trượt đăng kiểm
Tại điểm a khoản 9 Điều 30 Nghị định 100/2019 quy định: Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 triệu đồng đến 16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng theo thiết kế ban đầu của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng kiểm.
Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật thì việc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất thì sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019.