“Làm sao để tạo thói quen đọc sách cho con? Làm thế nào để con yêu thích đọc sách? Tạo tủ sách cho con theo độ tuổi ra sao? Đọc sách như thế nào là hiệu quả?”... là những câu hỏi được đặt ra trong buổi nói chuyện chủ đề “Tủ sách cho con” tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM) sáng 6-6.
Chương trình do Hội quán các bà mẹ tổ chức với sự tham gia của chị Nguyễn Thị Anh Phong (người sáng lập TheAsianparent) và Lê Khúc Hoàng Uyên (cựu học sinh trường Trần Đại Nghĩa, sinh viên National University of Singapore , ĐH quốc gia Singapore).
Chị Võ Thanh Bình, chia sẻ: “Tôi đã phải quăng cái tivi ra khỏi nhà để rèn cho con thói quen đọc sách. Tôi thấy nếu chỉ coi tivi thì con không thể học được gì nhiều và không có thói quen đọc sách lành mạnh... Giờ thì tôi thấy quyết định của mình là đúng vì ba năm nay nhà tôi không xem tivi và các con thì đã có thói quen đọc sách rồi ”.
Chị Anh Phong (góc trái ảnh) chia sẻ về việc tạo thói quen đọc sách hàng ngày cho con. Ảnh: THANH TUYỀN.
Theo chị Anh Phong, việc tạo cho bé thói quen đọc sách cần được bắt đầu sớm, khoảng 2 tuổi trở đi. Nhưng điều đó không có nghĩa là dồn ép bé đọc một mạch, nhồi nhét, bắt bé đọc một lúc liên tiếp trong nhiều tiếng đồng hồ vì như thế không hiệu quả. “Cá nhân tôi thì nghĩ cần chia thời gian đọc sách của con theo từng khung thời gian khác nhau. Buổi sáng đọc khoảng 5 phút, buổi tối chừng 30 phút mỗi ngày”, chị Anh Phong nói.
Còn đối với việc tạo cho con một tủ sách riêng, chị Anh Phong nhấn mạnh: “Tôi không quan trọng số lượng sách có trên kệ mà chú trọng hơn đến việc con yêu thích những cuốn sách nào, cảm thấy như thế nào khi đọc những cuốn sách đó... Kệ sách của trẻ cần được phân loại rõ ràng từng lĩnh vực khác nhau như: truyện tranh, sách khoa học... để bé có thể dễ dàng tìm kiếm và phân loại”.
Cùng quan điểm với chị Anh Phong, bạn Lê Khúc Hoàng Uyên cho rằng nên hình thành thói quen đọc sách hàng ngày cho trẻ ngay từ khi trẻ còn nhỏ chứ không phải đợi đến lúc bé đã lớn. Lúc còn nhỏ, Hoàng Uyên đã được ba mẹ tạo thói quen đọc sách, dẫn đi nhà sách dịp cuối tuần nên thói quen cũng được hình thành từ đó. Khi Uyên đã lớn hơn, ba mẹ thường đưa ra những gợi ý theo chủ đề để Uyên tự chọn những đầu sách phù hợp.
Hoàng Uyên (góc phải ảnh) chia sẻ về cách mình đọc sách. Đọc sách để tự phản biện với bản thân, để hiểu hơn về cuộc đời của những con người khác mình. Ảnh: THANH TUYỀN.
Hoàng Uyên quan niệm, đọc sách không chỉ là đọc cho biết, đọc một lần cho xong, mà mỗi cuốn sách là một cuộc đời nên việc đọc sách giúp bản thân em sống và hiểu được nhiều mảnh đời khác nhau. Cạnh đó, đọc sách cũng là cách để bản thân học hỏi nhằm đối mặt với những tình huống của cuộc sống, rèn luyện những đức tính tốt để sống tốt hơn trong cuộc đời này.