Đó là yêu cầu thẳng thừng mà cô Lê Thị Thanh Nhàn, giáo viên chủ nhiệm ở Khoa quản trị kinh doanh (Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM), gửi đến phụ huynh vào mỗi đầu năm học khi đón lứa học sinh 15-16 tuổi vào học nghề.
Rồi cô Nhàn cười: Nói vậy thôi chứ mình vẫn nhận các em hết. Vì các em còn nhỏ, mình nói thế vì muốn phụ huynh có trách nhiệm trước hết. Cha mẹ không giúp các em học giỏi được thì hãy cho các em niềm tin vào bản thân mình.
Thế nhưng lời yêu cầu tưởng chừng rất đơn giản ấy lại không mấy ai làm được khi luôn bị cuốn vào vòng xoáy cơm - áo - gạo - tiền và chạy theo thành tích, bằng cấp. Họ cho rằng con phải học giỏi, phải thi điểm cao, phải đậu trường này trường nọ... mới xứng đáng. Họ quên rằng mỗi đứa trẻ có một khả năng riêng và việc đi học nghề cũng là học, cũng sẽ ra trường đi làm như bao nhiêu người khác.
Việc rẽ hướng học nghề sau lớp 9, do nhu cầu xã hội cần lượng lớn lao động trình độ trung cấp là một phần nhưng quan trọng hơn là tạo thêm những lựa chọn cho các em muốn và có năng lực học nghề hơn là học văn hóa. Bởi thực tế đã có những em học văn hóa rớt lên rớt xuống nhưng học nghề lại đoạt giải cấp trường, cấp thành phố, ra trường được doanh nghiệp săn đón vào hẳn những vị trí quản lý. Ngược lại, biết bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường phải thất nghiệp, phải giấu bằng cử nhân đi học lại trung cấp hay làm công nhân.
Rồi cô Nhàn lại kể: Lớp cô từng có bạn biệt danh là Minh “sữa”, bị tự kỷ. Ngày nào đi học Minh cũng mang theo một bình sữa rất to, ngồi trong lớp không nói chuyện với ai, chỉ nghịch một mình và ôm bình sữa uống. Hôm nào không uống sữa là em bần thần cả ngày. Bố mẹ thương em nhưng cho em học nghề như chỉ để có nơi trông giữ, ngày nào cũng đưa đi đón về.
Thấy em như thế, cô nghĩ em không thể học kinh doanh được. Cô tiếp cận dần thì phát hiện em thích màu sắc nên động viên em chuyển qua ngành đồ họa nhưng không được. Cô lại đưa em sang học quản lý siêu thị. Rất may là em đã thích học đúng như dự đoán và thậm chí phát triển ngôn ngữ hơn. Ra trường em liền được một siêu thị đánh giá cao và nhận ngay vào phụ trách trưng bày.
“Nhiều năm đi dạy nghề, những lần khiến tôi nản không phải vì học sinh yếu hay quậy phá mà chính là gặp những phụ huynh chỉ biết đóng tiền là xong, rồi mắng nhiếc, chê bai con. Tôi chợt nghĩ kém may mắn như em Minh “sữa” ấy mà còn học nghề tốt được thì tại sao những em bình thường khác lại không.
Phải chăng quan trọng là chúng ta có cho các em niềm tin để chúng nhận ra giá trị của mình hay không thôi? Phụ huynh phải thay đổi đầu tiên, hãy ngừng ngay tư tưởng rằng cho con vào học nghề vì con học dốt, rồi mắng nhiếc, thất vọng về con. Bởi cho con đi học nghề không phải là đường cùng mà là bước bắt đầu cho hành trình tốt hơn” - cô Nhàn nhắn nhủ.