Giúp người đi viện, bị đánh dã man
Câu chuyện “Đi trên đường thấy người bị thương liền đưa đi cấp cứu, ra cổng bệnh viện bị chính người mình vừa giúp đánh dã man” đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Thầy Tôn Long Hạ (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Theo chia sẻ, câu chuyện "éo le" này xảy ra khoảng 1 giờ chiều 22-11. Chúng tôi xin được trích đăng dưới đây:
“Một bạn gái đi đến ngã ba Thái Lan, Tam Phước, Biên Hòa để mua cơm thì gặp hai nhóm thanh niên đánh nhau, một số người bị thương và chảy máu khá nhiều.
Cô gái thấy họ chảy máu quá nhiều, sau đó đã đưa xuống BV Long Thành để băng bó vết thương và điều trị.
Cô gái chăm sóc người gặp nạn rất nhiệt tình, chu đáo dù không có thân quen. Thế nhưng sau đó tại cửa bệnh viện, cô gái đó lại bị chính những người mình đã cứu đánh tới tấp dẫn đến thương tích đầy người!
Ngay sau đó cô gái đã có trình báo đến cơ quan công an để giải quyết vụ việc.”
Hiện tại chưa xác thực được tính chân thật của câu chuyện này. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ “làm ơn mắc oán là chuyện đùa” thì nhân đây tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện tương tự. Bạn tôi, thầy Tôn Long Hạ (Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) chính là nạn nhân.
Hôm đó, anh thấy một cô gái bị tông xe ngã. Kẻ tông trúng cô đã rồ ga bỏ chạy, chỉ còn cô gái ngã trên đất vẫn chưa dậy được. Anh vội vã dừng lại, dựng xe và đỡ cô gái vào lề đường.
“Tôi còn hỏi cổ xem có cần hỗ trợ gì không, bảo gọi liền cho người nhà tới đón, có gì còn đi bệnh viện khám. Chút xíu sau, có người nhà tới, là một người đàn ông. Anh ta không nói không rằng đạp tôi một cái lộn nhào. Tôi xua tay bảo nhầm rồi tôi chỉ là người đi đường dừng lại giúp, rồi những người xung quanh can ngăn nói thêm rằng tôi không phải là thủ phạm, anh ta mới dừng lại. Điều tôi buồn là cô kia cũng không một lời giải thích. Anh kia biết đánh nhầm người cũng không một lời xin lỗi” - thầy Hạ nhớ lại.
“Chỉ cần tâm an yên là đủ”
Khi tôi hỏi: “Liệu những lần sau thấy người bị nạn vậy, anh còn giúp đỡ không?”. Anh cười, bảo thực ra anh bị đánh vì giúp người mấy lần rồi, đó không phải là lần đầu.
"Cứ tự an ủi mình người ta nóng nên mới hành động vậy, chứ chẳng lẽ thấy người ta vậy không giúp. Cứ đặt mình vào vị trí người ta để cảm thông thôi. Chỉ cần thấy nhẹ nhõm, về nhà tâm an yên là đủ. Nhưng nhiều khi nghĩ cũng buồn thiệt”, anh bảo vậy.
Đừng hỏi tại sao con người ngày càng vô cảm!
Thực ra những trường hợp giúp người rồi bị chính người mình giúp hại nhiều lắm. Bạn tôi thấy người bị tai nạn xe, đưa vào bệnh viện, nộp cả tiền viện phí giúp để cứu mạng. Vậy mà khi người nhà đến, “ân nhân” lại được một trận no đòn vì bị nghi là kẻ gây tai nạn. Lại có trường hợp nộp viện phí xong bị quỵt luôn vì “nhà nghèo quá không có tiền trả”.
Tôi kể lại những câu chuyện này không phải muốn gieo rắc suy nghĩ tiêu cực. Nhưng…
Trên đời không phải ai cũng nghĩ được như thầy Tôn Long Hạ.
Trên đời không phải ai cũng sẵn sàng giơ tay hỗ trợ người khác mọi lúc, mọi nơi dù bị đòn oan.
Cứ thử đọc những bình luận: “Giờ bỏ đi thì thấy chết mà không cứu lại dằn vặt lương tâm, cứu xong còn ăn cả quả hội đồng quyền cước vào mặt thế thì xin nghỉ thôi, làm ơn mắc oán quá”, “Vì thế nên ra đường cứ theo tiêu chí. Thương người hại mình”… thấy trong lòng vừa buồn mà lại không trách được.
Nếu đám đông cứ nóng giận là hành xử hồ đồ, không xét trước nhìn sau kiểu đánh trước nói sau hỏi sao Lục Vân Tiên thời nay càng ngày càng hiếm. Có khó gì đâu vài câu hỏi lại để minh định vấn đề, hỏi chính người mình nghi ngờ, hỏi những người xung quanh... rất nhiều nhân chứng mà.
Một người bạn tôi từng nói: “Kể cả đó là thủ phạm gây tai nạn thì ít nhất họ cũng dừng lại đưa mình vào viện, chớ không bỏ trốn. Họ bỏ mình nằm đó biết đâu chết queo rồi!”.