Theo ông Giao, thủ tục là những cái "đinh" lớn. Một chuyên gia, nhà khoa học ngước ngoài đọc đề án này xong người ta cũng ngại, vì phải qua nhiều khâu mới đăng ký được, trong khi mình nói là thu hút, trọng dụng nhân tài.
Các chuyên gia đang làm việc tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN
Ông Giao kể trước đây đơn vị của ông từng tổ chức một hội thảo về thu hút chuyên gia, nhà khoa học, thì thấy phần đông các chuyên gia chọn về doanh nghiệp, kế đến là trường học, gần như không ai vào cơ quan nhà nước.
Từ đó, ông Giao cho rằng muốn thu hút người tài phải có sự trao đổi thương lượng giữa cái mình cần và cái người ta có.
Cũng có nỗi lo về vấn đề thủ tục rườm rà, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, kể chuyện một nhà khoa học về công nghệ tính toán khi được mời về mà bị buộc phải có một bộ hồ sơ lý lịch y như một cán bộ công chức bình thường.
"Họ không hiểu mấy chuyện đó nhưng họ phải làm. Tôi nghĩ với những người như vậy chúng ta nên thoáng hơn, họ rất dị ứng với mấy chuyện đó" - GS-TS Phùng nói.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết trước đây cơ chế này bị ràng buộc, bị dính các khung. Khi một nhà khoa học lên báo cáo đề tài thì bắt ký rất nhiều vấn đề. Do đó có Nghị quyết 54, khi thực hiện phải tinh gọn những thủ tục đó, có như thế mới thu hút được người tài về làm việc cho TP.
"Tài chính cũng cần nhưng người làm khoa học cần nhất là môi trường làm việc. Do đó, bên cạnh chế độ đãi ngộ xứng đáng, TP.HCM cần tạo một cơ chế và môi trường làm việc thuận lợi để các nhà khoa học được tự do sáng tạo, tự do cống hiến" - ông Ngân đề xuất.