Rồi hoài cổ bằng cách trang trí như trong quán luôn có máy hát quay dĩa nhựa, máy quay băng cối Akai. Hoài cổ bằng cách ngồi ghế đẩu, uống cà phê bằng dĩa…
Tất cả những quán cà phê mang hơi hướng hoài cổ hình thức này đều pha cà phê bằng phin và ngược lại hiện đại một cách giàu có bằng máy pha cà phê xuất xứ từ những nước không gọi tên bằng chữ Việt được. Và không gian, dầu sao vẫn “tương” lên không khí cái mùi kim thời, tân tiến với những ẩm khách không bàn luận chuyện xóm giềng mà chỉ gục đầu vào những chiếc smartphone, iPad.
Muốn tìm lại cách uống cà phê cổ lỗ sĩ thứ thiệt ở TP.HCM hiện nay tôi biết có hai quán. Họ hoài cổ không phải bằng tên và bằng cách bài trí. Thật ra họ chẳng bài trí gì cả nhưng tự thân khung cảnh quán đã là một sự hoài cổ quá xá là cổ.
Một quán ở hẻm nhỏ đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận đã có từ khi con đường này mang tên Võ Di Nguy. Quán nhỏ tí tẹo, một gian nhà và ẩm khách cùng nhau chen chúc bên vài cái bàn con con.
Nếu ai thích không gian rộng và ngửi mùi xăng cũng như tận hưởng cảm giác ngồi uống cà phê chen vai cùng xe máy thì ra ngồi ở những cái ghế con đặt sát tường quán, trên con đường nhỏ thông thương ngõ tắt thông qua Phan Đăng Lưu.
Quán cà phê thứ hai thuộc loại đẳng cấp lão làng oanh liệt vẫn còn tồn tại từ một vùng đất hoang sơ vùng Bàn Cờ đúng 80 năm về trước. Xin mở ngoặc đơn, đề nghị quán nên kỷ niệm 80 năm thành lập, cùng sống với Sài Gòn đầy biến động từ năm 38 thế kỷ trước. Quán này tên là Cheo Leo, trong một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Thiện Thuật.
Cả hai quán này hoài cổ vì pha cà phê theo lối cổ, không pha chút nào sự giả cổ như sự đòi hỏi của xã hội kim thời với tầng lớp khoái chơi đồ cổ nhưng phải pha thêm màu hiện đại, như máy ảnh Leica kiểu năm 1942 nhưng phải là kỹ thuật số chứ không xài phim.
Cách pha cà phê của hai quán này như những nếp nhăn của chủ thì phải biết là cổ, khỏi cần bàn cãi chi cho nhọc sức. Đó là cách pha cà phê bằng vợt hay gọi là cà phê vớ, cà phê bít tất! Chưa có ai tìm hiểu được cách pha cà phê này từ đâu nhưng chắc đa phần là cách pha cà phê của người Tàu - mà họ gọi là “nhẩm ca phé”.
Thời trước năm 1975, dù Sài Gòn với những khu cà phê lịch thiệp có thừa mà cà phê phải pha bằng phin, được cô chủ quán xinh như mộng trong các tiểu thuyết bưng đến tận bàn thì ở Chợ Lớn, cà phê vẫn được các chú Ba bận áo thun ba lỗ pha bằng vợt.
Phải nói là cái vợt của quán chú Xồi, chú Hía, chú Thòn…và tổng thể loại chú đều đen thui lui. Không phải là các chú không giặt nhưng vì cà phê tích tụ lâu ngày bám vào thớ vải và ngược đời, vợt cà phê càng đen thì pha cà phê càng đậm đà. Nhìn sắc độ màu đen của cây vợt bít tất, dân nghiện cà phê sẽ đánh giá được chất lượng ly cà phê bằng thủy tinh không tay cầm (có phải nóng như vậy nên người ta hay đổ ra dĩa để uống?).
Ẩm khách của những quán này không quần là áo lượt. Hình như hình thức của quán cũng chọn khách hay là khách không câu nệ hình thức bên ngoài nên chọn quán. Quần áo họ ních vào người không đến nỗi bổ báng thần thánh và cũng không như đi dự tiếp tân.
Đặc biệt rất hiếm thấy các bậc nữ lưu với vành môi đỏ, ngực căng phồng thẩm mỹ viện ngồi ở những quán này và cũng hiếm thấy những cặp tình nhân rủ rỉ rù rì trong không khí ám khói cà phê củi lửa. Có thể nhiều cuộc tình đến đây đã chia xa vì các cô gái đến quán cà phê hoài cổ loại này không tìm thấy WiFi…
Vậy có phải các quán cà phê hoài cổ chỉ dành cho những bậc trung lưu về tuổi tác, chỉ nhớ phụ nữ ngày xưa ấy mà thôi…?