Mỹ, Anh đánh vào xuất khẩu dầu của Nga, hệ quả sao?

Hôm 8-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga nhằm trả đũa việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Thừa nhận động thái này có thể sẽ ảnh hưởng đến người dân Mỹ - vốn đang phải chịu giá nhiên liệu và lạm phát cao nhưng ông Biden nói cần thiết phải ra “đòn mạnh nữa” vào Moscow, theo hãng tin Reuters.

Ông Biden cho biết phía Mỹ đã tham vấn với lãnh đạo các đồng minh châu Âu trước khi đi tới quyết định. Hưởng ứng động thái của Mỹ, Anh cùng ngày cũng thông báo sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu và các sản phẩm chế biến từ dầu của Nga vào cuối năm nay.

Bảng giá nhiên liệu tại một trạm xăng dầu ở TP Carlsbad, quận San Diego, bang California (Mỹ) ngày 7-3. Dự kiến giá xăng ở Mỹ sẽ còn tăng cao sau lệnh cấm nhập dầu Nga. Ảnh: REUTERS

Tác động lên Nga có thể không như kỳ vọng

Về cụ thể nội dung lệnh cấm, các mặt hàng sẽ không được vào thị trường Mỹ gồm dầu thô, các sản phẩm lọc dầu, khí đốt hóa lỏng (LNG) và than từ Nga, theo hãng tin Bloomberg. Lệnh cấm cũng đưa ra thời hạn 45 ngày để hoàn tất các chuyến hàng đã ký hợp đồng. Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức của Mỹ sẽ không được tham gia các hoạt động đầu tư nước ngoài có vốn rót vào ngành năng lượng của Nga.

Nếu nhìn vào thống kê thì ảnh hưởng của lệnh cấm này lên kinh tế Mỹ và Nga nói chung không lớn. Từ trước khi có lệnh cấm, các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã chủ động hạn chế nhập khẩu dầu thô từ Nga do có hàm lượng lưu huỳnh cao - làm tăng công sức và thời gian lọc lại để đủ chuẩn đem đi tiêu thụ.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu của Công ty phân tích thị trường Kpler (Singapore), năm ngoái dầu từ Nga chỉ chiếm khoảng 3% tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Mỹ, nếu tính luôn cả dầu thô và các sản phẩm lọc dầu khác thì tỉ trọng tăng lên 8%. Tuy nhiên, đến năm nay thì quy mô nhập khẩu dầu Nga vào Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm năm trở lại đây. Đối với khí đốt, lệnh cấm của Mỹ càng mang tính biểu tượng hơn nữa khi nước này từ lâu đã là một nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới và ngừng nhập khí đốt của Nga từ năm 2019.

“Quyết định của ông Biden về cấm nhập dầu Nga là động thái đáng lưu ý nhưng nếu cả châu Âu cũng cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga thì đó mới là một lệnh trừng phạt thực sự, xét trong bối cảnh châu Âu có mức độ phụ thuộc tương đối cao vào nguồn cung năng lượng từ Nga hơn Mỹ. Nếu không có Mỹ, Nga vẫn còn rất nhiều khách hàng khác” - ông Jason McMann, Trưởng bộ phận phân tích rủi ro chính trị thuộc Công ty tư vấn Morning Consult (Mỹ), nhận định.

Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), Nga là nguồn cung cấp chính 27% lượng dầu thô nhập khẩu của châu Âu, còn Tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom cung cấp khoảng 1/3 toàn bộ khí đốt được tiêu thụ ở đây. Ngoài Anh, đến nay vẫn chưa có thêm nước châu Âu nào khác phát tín hiệu là sẽ ủng hộ động thái của Mỹ bởi hầu hết đều cảm thấy việc ngay lập tức tìm nguồn thay thế cho năng lượng Nga lúc này là chuyện bất khả thi.

Thực tế, đến nay, các tác động tiêu cực đến mảng xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga chủ yếu vẫn đến từ các biện pháp trừng phạt tài chính. Do lo ngại khả năng ổn định tài chính của Nga cũng như rủi ro bị liên lụy nếu tiếp tục giao thương với nước này, nhiều quốc gia hoặc doanh nghiệp có thể phải đi tìm nguồn cung khác thay thế và né bất cứ thứ gì liên quan tới Nga.

Thị trường dầu toàn cầu phản ứng tiêu cực

Ngay sau khi có thông tin Mỹ cấm nhập khẩu dầu Nga, thị trường dầu toàn cầu đã lập tức xác lập các đỉnh mới về giá. Trong phiên giao dịch ngày 8-3, giá dầu Brent tăng 7,3%, có lúc lên mức 132,28 USD/thùng. Dầu WTI cũng tăng 7,6%, lên 128,51 USD/thùng. Trong phiên ngày 7-3 trước đó, cả dầu Brent và WTI đều vượt ngưỡng 130 USD/thùng - lần đầu tiên kể từ tháng 7-2008.

Bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) nhận định rằng giá dầu Brent có thể sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm nay nếu lượng dầu xuất khẩu từ đường biển của Nga bị cắt giảm do tình hình căng thẳng ở Ukraine và các lệnh trừng phạt từ Mỹ, đẩy nền kinh tế toàn cầu đối mặt với một trong những “cú sốc” về nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay. Cụ thể, nếu duy trì song song các biện pháp trừng phạt tài chính và cấm xuất khẩu dầu Nga như hiện nay, Nga có thể phải giảm xuất khẩu khoảng 2-4 triệu thùng dầu/ngày trong tổng số 6 triệu thùng xuất khẩu qua đường biển và giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 145-175 USD/thùng tương ứng.

“Chúng tôi tin rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể gây ra sự sụt giảm lớn nguồn cung dầu trên thế giới và điều này sẽ vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu” - các chuyên gia tại Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cảnh báo, theo đài CNBC.

Ngân hàng ANZ của Úc cũng đã nâng dự báo ngắn hạn đối với giá dầu lên 125 USD/thùng, đồng thời cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, Ngân hàng JPMorgan (Mỹ) cũng đã ước tính giá dầu thô có thể tăng vọt gần 70% từ mức ghi nhận vào cuối tuần trước (khoảng 114 USD/thùng) lên 185 USD/thùng vào cuối năm nay nếu nguồn cung dầu từ Nga vẫn bị gián đoạn.

Dù vậy, Ngân hàng JPMorgan cũng nhấn mạnh mức giá dầu dự báo 185 USD/thùng sẽ chỉ xảy ra nếu sự gián đoạn nguồn cung của Nga tiếp tục và không có biện pháp khắc phục. Nếu thời gian tới các nước điều đình và xuất hiện một giải pháp nào đó, ngân hàng này sẽ giữ lại dự báo trước đó là giá dầu Brent ở mức trung bình 110 USD/thùng trong quý II, 100 USD/thùng trong quý III, và 90 USD/thùng trong quý IV năm nay.•

 

Ngày 8-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cấm hoặc hạn chế xuất/nhập khẩu một số hàng hóa và nguyên liệu thô. Danh mục các mặt hàng bị cấm đang được hoàn thiện. Điện Kremlin sẽ công bố danh sách các quốc gia chịu lệnh hạn chế này vào hai ngày tới, theo hãng tin AP.

Vẫn còn hy vọng cho giá dầu thế giới

Theo tờ The National, liên minh OPEC+, gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu khác trong đó có Nga, đến nay đã khôi phục được một nửa trong số tổng sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng/ngày bị cắt giảm giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19.

Với tốc độ nâng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/ngày đang áp dụng hiện nay, OPEC+ dự kiến đến tháng 9 sẽ phục hồi hoàn toàn phần sản lượng dầu đã cắt giảm nói trên. Do đó, nguồn cung dầu mỏ được dự báo sẽ sớm đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, góp phần hạ nhiệt giá dầu.

Mặt khác, mức giá cao như hiện nay cũng khuyến khích hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt trên toàn cầu. Điều này sẽ khiến nguồn cung dầu trở nên dồi dào với mức giá rẻ trở lại. Đó là điều đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử và từng khiến các nhà đầu tư vào năng lượng xanh thiệt hại lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm