Ngày 24-4, nhiều chính trị gia kêu gọi Chủ tịch ĐH Columbia – bà Minouche Shafik từ chức do bà để các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine tiếp tục diễn ra tại khuôn viên trường ở New York và lan sang các trường đại học trên khắp nước Mỹ.
Tình hình này xảy ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Gaza đã kéo dài nhiều tháng, thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước Mỹ, theo đài CNN.
Tình trạng bất ổn ngày càng tăng trong các trường đại học, cùng với sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái, đã buộc quốc hội Mỹ phải tổ chức nhiều phiên điều trần để làm rõ vấn đề. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến chủ tịch của một số trường ĐH danh giá từ chức, bao gồm bà Claudine Gay – chủ tịch ĐH Harvard và Liz Magill – chủ tịch ĐH Pennsylvania.
Biểu tình tại ĐH Columbia tiếp tục căng
Hôm 24-4, ĐH Columbia đã thông báo cho sinh viên và giảng viên trường rằng từ đây đến thi cuối kỳ các lớp học sẽ được tổ chức kết hợp giữa hai hình thức trực tuyến và trực tiếp, để đảm bảo an toàn cho sinh viên.
Bà Angela Olinto – hiệu trưởng nhà trường – cho biết tất cả bài đánh giá cuối khóa học, bao gồm các bài kiểm tra, bài thuyết trình và dự án “phải có hình thức thi từ xa cho sinh viên”. Theo bà Olinto, động thái này “nhằm giải quyết mối lo ngại của các thành viên trong trường”.
ĐH Columbia trước đó cho biết họ đã mở rộng các cuộc đàm phán với các sinh viên về việc dỡ bỏ khu trại biểu tình trong khuôn viên trường. Về phía những người biểu tình, họ cho biết sẽ không giải tán cho đến khi trường đồng ý cắt đứt quan hệ với các tổ chức học thuật của Israel và cam kết không để các quỹ của ĐH Columbia tài trợ cho các thực thể có liên hệ với Israel, cùng với các yêu cầu khác.
Trả lời CNN, cô Isabella Ramirez – người quản lý trang tin sinh viên của ĐH Columbia – cho biết: “Dường như không có nhiều dấu hiệu cho thấy đại diện trường ĐH muốn gặp gỡ sinh viên và sinh viên muốn gặp đại diện trường ĐH. Có vẻ như không có nhiều cơ hội để thỏa hiệp”.
Trước đó, phía những sinh viên biểu tình cho biết đại diện của họ đã rời khỏi cuộc đàm phán hôm 23-4, sau khi ĐH Columbia cảnh báo sẽ gọi cảnh sát và Vệ binh Quốc gia nếu những người biểu tình “không chấp nhận yêu cầu của họ”.
Về phía ĐH Columbia, bà Susan Ellingwood – phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công cộng tại ĐH Columbia – cho biết: “Việc triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia chưa bao giờ được bàn đến”.
Biểu tình lan rộng
Theo CNN, sinh viên tại nhiều trường ĐH ở Mỹ đã tổ chức biểu tình sau khi xung đột Israel-Hamas nổ ra. Cuộc biểu tình tại ĐH Columbia càng khiến tình hình này thêm gay gắt hơn.
Theo đó, các trại tạm của người biểu tình cũng mọc lên ở các trường ĐH khác. Các trại sinh viên ủng hộ người Palestine đã được lập tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cao đẳng Emerson, ĐH California-Berkeley và ĐH Michigan. Các quan chức trên toàn nước Mỹ đang cố gắng kiềm chế tình trạng này lan rộng.
Các vụ bắt giữ cũng đã được thực hiện tại nhiều ĐH trên khắp nước Mỹ. Hơn 100 sinh viên tại ĐH Columbia và Cao đẳng Barnard đã bị bắt vào ngày 18-4. Chủ tịch Cao đẳng Barnard – bà Lisa Rosenbury xác nhận rằng những học sinh bị đình chỉ tạm thời “không còn được vào hầu hết tòa nhà của Barnard nữa”.
Trong khi đó, hơn 130 người đã bị bắt tại ĐH New York trong một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine vào tối 22-4. ĐH New York cho biết họ đã yêu cầu cảnh sát giúp đỡ, sau khi các quan chức của trường cho biết có “những lời hô vang đe dọa và một số vụ chống đối” trong cuộc biểu tình. Một cảnh sát New York cho biết các cuộc biểu tình nhìn chung không có bạo lực, ngoại trừ việc ném một vài chai lọ vào cảnh sát.
Tại ĐH Yale cảnh sát cũng đã bắt ít nhất 45 người biểu tình hôm 22-4 và cho rằng họ phạm tội hình sự, sau khi họ từ chối lệnh giải tán. ĐH Harvard cũng đã đóng cửa một khu vực, đình chỉ một tổ chức sinh viên ủng hộ người Palestine và cáo buộc họ vi phạm chính sách của trường.
Tại ĐH Minnesota, 9 người đã bị bắt sau khi họ thành lập một khu trại tạm, vốn trái lại chính sách của trường. Trong khi đó, sinh viên, giảng viên và nhân viên tại ĐH New Mexico đã biểu tình ôn hòa hôm 22-4 để ủng hộ người dân Gaza.
Giới chức Mỹ phản ứng ra sao?
Ngày 24-4, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã đến khuôn viên ĐH Columbia để kêu gọi bà Minouche Shafik từ chức.
“Hôm nay, tôi ở đây cùng với các đồng nghiệp và kêu gọi Chủ tịch Shafik từ chức, nếu bà ấy không thể ngay lập tức giải quyết tình trạng hỗn loạn này. Chúng tôi đang tin tưởng, kêu gọi và yêu cầu lãnh đạo các trường ĐH để kiểm soát tình hình hiện tại” – ông Johnson nói.
Hôm 23-4, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Joe Biden “tất nhiên biết” về các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine tại các trường ĐH trên khắp cả nước.
“Chúng tôi biết rằng đây là thời điểm đau đớn đối với nhiều cộng đồng. Chúng tôi tôn trọng điều đó và chúng tôi ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa của mọi người Mỹ, đó là điều mà chúng tôi luôn nhất quán” – Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Andrew Bates cho biết.
Tuy nhiên, ông Bates cũng khẳng định Nhà Trắng lên án những lời kêu gọi bạo lực và lý lẽ bài Do Thái.