Ngày 4-8, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đã ra thông báo xem bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, theo đài CNN. Bộ trưởng Xavier Becerra khẳng định chính quyền liên bang đã sẵn sàng triển khai công tác ứng phó ở cấp độ cao hơn trong quá trình xử lý loại virus này.
Một bàn đăng ký tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ ở TP New York, Mỹ ngày 4-8. Ảnh: CNBC |
Mỹ quyết tâm phòng chống đậu mùa khỉ
CNN cho biết thông báo của HHS sẽ có hiệu lực trong 90 ngày nhưng có thể được cân nhắc gia hạn nếu tình hình diễn biến nghiêm trọng. Động thái tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng sẽ tạo nền tảng pháp lý để kích hoạt những khoản ngân sách mới, hỗ trợ công tác thu thập dữ liệu và cho phép triển khai nhân lực bổ sung cho nỗ lực đẩy lùi bệnh.
Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden mới đây cũng đã bổ nhiệm lãnh đạo Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang giám sát các khu vực Arizona, California, Hawaii và Nevada - ông Robert Fenton làm điều phối viên ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ cấp quốc gia của Nhà Trắng. Ông Fenton sẽ chịu trách nhiệm điều phối phản ứng của chính phủ liên bang đối với đợt bùng phát hiện nay. Trong khi đó, Giám đốc Bộ phận phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ - TS Demetre Daskalakis làm phó điều phối viên.
Trên thực tế, một số TP (như New York và San Francisco) cũng như hai bang California và Illinois trước đó đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp khi số ca nhiễm tại các địa phương này tăng mạnh. Hiện Mỹ ghi nhận hơn 6.600 ca đậu mùa khỉ, với khoảng 25% số ca ở New York. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo số ca trên thực tế có thể cao hơn nhiều, một phần do các triệu chứng có thể khó quan sát được.
Một số chuyên gia y tế công cộng nhận định chính quyền liên bang đã chậm chân khi không tuyên bố tình trạng khẩn cấp để xúc tiến giải quyết khủng hoảng. HHS cũng đã đợi hơn ba tuần sau trường hợp đầu tiên được xác nhận nhiễm bệnh đậu mùa khỉ mới tiến hành đặt hàng số lượng lớn vaccine đậu mùa khỉ.
Chúng tôi hối thúc mọi người dân Mỹ nhìn nhận nghiêm túc về bệnh đậu mùa khỉ và hành động có trách nhiệm để giúp đỡ chúng tôi xử lý bệnh.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ XAVIER BECERRA
Chiến lược tiêm vaccine chống đậu mùa khỉ ở Mỹ ra sao?
CDC ban đầu thông báo vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ đã được xuất kho lưu trữ và sẽ được cung cấp cho những người tiếp xúc “có nguy cơ cao” với bệnh nhân đậu mùa khỉ, cũng như các nhân viên y tế đang điều trị cho họ. Tuy nhiên, khi dịch diễn biến xấu thì giới chức y tế liên bang đã mở rộng chương trình tiêm chủng để tập trung vào cộng đồng rộng lớn hơn là người đồng tính nam có quan hệ tình dục - đối tượng chiếm hơn 90% số ca nhiễm hiện nay.
Sự cấp thiết trong phản ứng hiện nay bắt nguồn từ sự lây lan nhanh chóng của loại virus đậu mùa khỉ cùng với sự thiếu hụt của vaccine hai liều có tên Jynneos do hãng dược Bavarian Nordic (Đan Mạch) - được coi là vũ khí y tế chính chống lại căn bệnh này ở Mỹ - sản xuất, theo tờ The New York Times.
Trong một cuộc họp báo ngày 1-8, Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Robert Califf cho biết các nhà quản lý đang xem xét một cách tiếp cận sẽ mới, theo đó sẽ cho phép các chuyên gia y tế tiêm chủng cho tối đa năm người, thay vì một người, với mỗi lọ Jynneos.
Theo cách tiếp cận được gọi là “tiết kiệm liều lượng” này, các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ sử dụng một mũi tiêm nông hơn dưới da, thay vì tiêm vào các mô sâu dưới da hiện được khuyến nghị trong nhãn của vaccine.
Ông Califf cho biết một quyết định về cách tiếp cận đó có thể được đưa ra “trong vòng vài ngày tới” và sẽ cần chính quyền liên bang ra thêm một tuyên bố mới về sức khỏe cộng đồng để cho phép chính phủ thay đổi hướng dẫn về cách quản lý vaccine.
Các quan chức y tế đã chỉ ra một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 cho thấy rằng vaccine Jynneos được sử dụng theo cách tiết kiệm như trên vẫn có hiệu quả trong việc kích thích hệ thống miễn dịch như khi kim đâm sâu hơn vào các mô khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận rằng họ vẫn đang thu thập thông tin về việc sử dụng một hoặc hai liều đầy đủ thông thường có tác dụng như thế nào đối với sự bùng phát dịch đậu mùa khỉ lần này.•
Nhiều diễn biến đáng lo ngại về đậu mùa khỉ ở châu Á
Hôm 4-8, giới chức y tế thủ đô New Delhi, Ấn Độ thông báo đã ghi nhận một ca bệnh đậu mùa khỉ ở phụ nữ người nước ngoài. Đây là ca bệnh đầu tiên ghi nhận ở phụ nữ tại Ấn Độ và là ca thứ chín trên cả nước, theo kênh Channel News Asia.
Trước đó vài ngày, chính quyền vùng Delhi đã thông báo lập 70 phòng cách ly tại sáu bệnh viện ở vùng thủ đô New Delhi dành cho các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc những ca nghi nhiễm. Ấn Độ phát hiện ca bệnh đầu tiên từ ngày 14-7 tại bang Kerala. Bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn cuối tuần trước và được xuất viện.
Trong khi đó ở Thái Lan, tờ The Bangkok Post cho biết Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan (DCC) hôm 3-8 thông báo một du khách người Đức đến thăm đảo Phuket ở miền Nam nước này đã trở thành trường hợp thứ ba được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ. Cục trưởng DCC - TS Opas Karnkawinpong lưu ý rằng cả ba trường hợp đậu mùa khỉ được xác nhận ở Thái Lan đều là nam giới, phù hợp với dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng 98% bệnh nhân là người đồng tính nam có quan hệ tình dục.
Hiện nước này đang lên kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho các nhóm có nguy cơ cao. Lô đầu tiên gồm 1.000 liều dự kiến sẽ được vận chuyển tới Thái Lan trong nửa sau tháng 8. Số vaccine này sẽ đủ tiêm cho 500 người. Tuy nhiên, hiện chưa quyết định các nhóm nào thuộc diện ưu tiên.