“Đây là quyết định không thể xem nhẹ, phản ánh mối quan ngại của Mỹ đối với các khoản nợ quá hạn tại UNESCO, sự cần thiết cho việc cải cách cơ bản trong tổ chức và khuynh hướng chống Israel đang tiếp diễn ở UNESCO” - thông cáo Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12-10 cho biết, theo Reuters. Quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 31-12-2018.
Dù vậy Washington vẫn tham gia UNESCO với tư cách là một quốc gia quan sát viên phi thành viên nhằm đóng góp quan điểm và chuyên môn của Mỹ, thông cáo cho biết. Hiện chưa có phản hồi từ chính phủ Mỹ, theo RT.
Quyết định Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ có hiệu lực vào ngày 31-12. Ảnh: RT
Trước đó, giới chức Mỹ nói với AP rằng nước này đang có kế hoạch rút khỏi UNESCO sau khi nhiều lần chỉ trích các nghị quyết của tổ chức này mà chính quyền Tổng thống Trump xem là bài Israel.
Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cho hay bà đã nhận được thông báo chính thức từ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, thêm rằng bà “rất lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ”.
Bà Bokova nói thêm: “Động thái này của Washington là một thiệt hại đối với chủ nghĩa đa văn hóa và đại gia đình Liên Hiệp Quốc”.
Mỹ đã ngưng đóng góp tài chính cho UNESCO sau khi tổ chức này công nhận Palestine là thành viên đầy đủ vào năm 2011. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn duy trì một phái bộ tại trụ sở của UNESCO ở Paris (Pháp).
UNESCO được thành lập năm 1945, là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên Hiệp Quốc, hoạt động với mục đích "thắt chặt sự hợp tác giữa các quốc gia về giáo dục, khoa học và văn hóa để đảm bảo sự tôn trọng công lý, luật pháp, nhân quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo". UNESCO hiện có 195 quốc gia thành viên và chín quan sát viên.