Đài tiếng nói Nga đưa tin ngày 8-3, tại cuộc họp báo ở Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố cái gọi là chính quyền lâm thời ở Kiev không phải là chính quyền độc lập của Ukraine.
Ông nhận định chính quyền mới ở Ukraine đang lệ thuộc bọn dân tộc chủ nghĩa cực đoan chuyên tiếm quyền bằng vũ lực. Ông nói Nga sẵn sàng đối thoại với các đối tác trên tinh thần trung thực, ngang bằng và không xem Nga là một bên trong cuộc xung đột chính trị hiện nay ở Ukraine.
Ông kêu gọi Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âuđiều tra tội ác xảy ra trong các cuộc biểu tình ở Kiev hồi tháng trước, trong đó có nghi án phe đối lập thuê các tay súng bắn tỉa bắn vào người biểu tình và cảnh sát. Ông chỉ đích danh thủ phạm là bọn Right Sector (Cánh hữu), liên minh các nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Ukraine.
Hôm 7-3, Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matvienko đã yêu cầu tổ chức điều tra độc lập vào các biến cố ở Kiev hồi tháng trước làm khoảng 100 người chết.
Ngày 7-3, 65.000 người biểu tình trước điện Kremlin ở Moscow để ủng hộ Crimea sáp nhập vào Nga. Ảnh: REUTERS
Bà cho rằng chính quyền Crimea tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập vào Nga vào ngày 16-3 tới là hợp pháp. Bà so sánh cuộc trưng cầu dân ý này giống cuộc trưng cầu dân ý về việc Scotland có nên tách khỏi vương quốc Anh và trở thành quốc gia độc lập (dự kiến tổ chức vào tháng 9-2014).
Hãng tin Itar Tass (Nga) đưa tin ngày 7-3, Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông cảnh báo Mỹ hấp tấp đưa ra biện pháp trừng phạt Nga sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ Nga-Mỹ và sẽ gây ra hiệu ứng gậy ông đập lưng ông cho Mỹ trong tương lai dài hạn.
Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tìm ra biện pháp mang tính xây dựng để giải quyết tình hình khủng hoảng Ukraine qua đường ngoại giao. Hai ngoại trưởng nhất trí tiếp tục tham vấn về Ukraine trong những ngày tới.
Nhà Trắng thông báo trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 7-3, Tổng thống Obama hoan nghênh lập trường thống nhất của EU và Mỹ về Ukraine. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đề xuất triển khai các quan sát viên quốc tế và các quan sát viên nhân quyền đến Crimea, đồng thời ủng hộ cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine vào tháng 5 tới.
Cùng ngày, tướng Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết quân đội Mỹ sẵn sàng hỗ trợ NATO nếu tình hình bất ổn ở Ukraine leo thang. Về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Ukraine, tướng Martin Dempsey cho rằng vấn đề cần phải được thẩm định kỹ càng tùy thuộc tình hình biến chuyển ở Ukraine.
Trả lời phỏng vấn báo The Guardian (Anh) ngày 7-3, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg ghi nhận Crimea có lịch sử khác biệt với các phần còn lại của Ukraine và chịu ảnh hưởng rõ nét của Nga. Ông nói bóng gió rằng Crimea có thể hưởng quy chế đối xử đặc biệt nếu Tổng thống Putin từ bỏ não trạng KGB (cơ quan tình báo Liên Xô) ăn sâu từ thời Chiến tranh lạnh.
LÊ LINH
Lầu Năm Góc cho biết ngày 7-3, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, ông Ihor Yosypovych Tenyukh, Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền ở Ukraine, đã đề nghị Mỹ trợ giúp quân sự. CNN (Mỹ) đưa tin ngày 7-3, tàu khu trục tên lửa Truxtun của Mỹ đã đi vào biển Đen cách Crimea gần 500 km để tập trận với một tàu hải quân Bulgaria và ba tàu hải quân Romania từ ngày 10 đến 12-3. Bộ Quốc phòng Bulgaria thông báo cuộc tập trận đã được lên kế hoạch trước. Ngày 8-3, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố chỉ trích chính quyền Ukraine từ chối cho các phóng viên Nga nhập cảnh ở sân bay quốc tế Donetsk (miền đông Ukraine) là thái độ phân biệt đối xử trắng trợn và đè bẹp tự do báo chí. |