Các công ty về chất bán dẫn trên toàn cầu đang ở thế khó khi phải cố gắng khắc phục sự rạn nứt ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) khi hai nước liên tục đưa ra những lệnh hạn chế và trừng phạt mới. Lý do là vì ngành công nghiệp bán dẫn là “chiến địa” nền tảng cho sự cạnh tranh công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh, theo tờ The New York Times.
Mỹ nỗ lực chuyển hướng chip khỏi TQ…
Trong cuộc gặp với nhiều quan chức cấp cao TQ trong chuyến công du TQ, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Janet Yellen đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt mà Bắc Kinh áp dụng gần đây đối với các công ty nước ngoài, bao gồm hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản dùng trong sản xuất chip.
Bà nói rằng những hành động như vậy là lý do tại sao chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cố gắng khiến các nhà sản xuất Mỹ bớt phụ thuộc vào TQ và đa dạng hóa nguồn cung chứ không phải cố gắng tách biệt hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất chất bán dẫn tại một nhà máy ở TP Hoài An, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) ngày 27-9-2022. Ảnh: GETTY IMAGES |
Chính quyền Tổng thống Biden đã bắt đầu đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ để chuyển hướng các công ty thuộc lĩnh vực này khỏi TQ. Mỹ cũng đưa ra các ưu đãi mới cho các nhà sản xuất chip chọn xây dựng cơ sở hoạt động mới tại Mỹ, bao gồm trợ cấp và ưu đãi thuế.
Cuối năm nay, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu phân bổ tiền để hỗ trợ các công ty xây dựng cơ sở sản xuất chip Mỹ. Tuy nhiên, số tiền đó sẽ đi kèm với điều kiện: Các công ty nhận tài trợ phải hạn chế mở rộng các cơ sở sản xuất công nghệ cao ở TQ.
Bên cạnh đó, chính quyền ông Biden cũng đang cân nhắc các hạn chế hơn nữa đối với các chip có thể được gửi đến TQ, như một phần trong nỗ lực mở rộng và hoàn thiện các hạn chế sâu rộng mà chính quyền đã ban hành vào tháng 10-2022.
Theo các nguồn thạo tin, các lệnh hạn chế bổ sung này có thể bao gồm các hạn chế bán chip tiên tiến cho TQ được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo, hạn chế mới đối với quyền truy cập của các công ty TQ vào các dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ và hạn chế đối với đầu tư vốn mạo hiểm của Mỹ vào lĩnh vực chip TQ.
Ngoài ra, Washington cũng đang xem xét tạm dừng các giấy phép đã gia hạn cho một số nhà sản xuất chip của Mỹ vốn cho phép công ty Mỹ tiếp tục bán sản phẩm cho công ty viễn thông Huawei của TQ.
Đối tác, đồng minh của Mỹ là Nhật và Hà Lan, là những nơi đặt trụ sở của các công ty sản xuất chip tiên tiến, cũng đã đưa ra những hạn chế mới đối với việc bán hàng của họ cho TQ.
…nhưng không dễ dàng
Trong bối cảnh các lệnh hạn chế của Mỹ nghiêm ngặt hơn và các chương trình ưu đãi mới từ Mỹ và châu Âu khuyến khích doanh nghiệp Mỹ rời thị trường TQ thì việc chuyển hướng khỏi thị trường TQ không phải diễn ra trong một sớm một chiều, theo The New York Times.
Bên trong một nhà máy của công ty Micron Technologies ở TP Manassas, bang Virginia (Mỹ). Ảnh: AP |
Thứ nhất là bởi các nhà máy này có thể mất nhiều năm để xây dựng và đi vào hoạt động.
Thêm nữa, TQ vốn là thị trường chip rất lớn, vì đây là nơi có nhiều nhà máy sản xuất các sản phẩm làm từ chip, bao gồm điện thoại thông minh, máy rửa bát, ô tô và máy tính. Những sản phẩm này vừa được xuất khẩu ra khắp thế giới và vừa được thị trường lớn nội địa TQ tiêu thụ.
Nhìn chung, TQ chiếm khoảng 1/3 doanh số bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, đối với một số nhà sản xuất chip, TQ chiếm 60% hoặc 70% doanh thu của họ. Ngay cả khi chip được sản xuất tại Mỹ thì các loại chip này cũng thường được gửi đến TQ để lắp ráp và thử nghiệm.
Nhà nghiên cứu Emily S. Weinstein tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi của ĐH Georgetown (Mỹ) cho rằng Mỹ không thể hành động đột ngột như thể tắt công tắc đèn và yêu cầu các công ty phải rút mọi thứ ra khỏi TQ.
Đơn cử, vào tháng 5, công ty công nghệ Micron Technologies đã bị giáng một đòn nặng nề khi TQ đã cấm các công ty quan trọng của TQ mua chip của Micron do lo ngại về mặt an ninh.
Micron cho biết sự thay đổi này có thể gây thiệt hại khoảng 1/8 doanh thu toàn cầu của công ty. Tuy nhiên, vào tháng 6, Micron thông báo rằng họ sẽ tăng đầu tư vào TQ thêm 600 triệu USD để mở rộng cơ sở đóng gói chip ở TP Tây An.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ John Neuffer cho rằng sự leo thang liên tục của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gây ra rủi ro đáng kể đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Mỹ.
Ông nói: “TQ là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới và các công ty của chúng tôi chỉ cần kinh doanh ở đó để tiếp tục phát triển, đổi mới và vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi các giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, tránh thiệt hại vô tình và lâu dài cho ngành công nghiệp chip, đồng thời ngăn chặn sự leo thang trong tương lai”.