Mỹ: Con cái ngày càng xa lánh bố mẹ

Con trai bà năm nay 27 tuổi, vốn rất gần gũi mẹ khi còn nhỏ nhưng bắt đầu xa lánh mẹ khi bà và chồng ly hôn 10 năm trước. 17 tuổi, con trai bà học nội trú ở trường và chỉ về nhà bố ở trong những dịp nghỉ phép. Những cuộc điện thoại hiếm hoi với mẹ của cậu chỉ nhằm dằn vặt, trừng phạt điều gì đó bà Deborah Jackson không hiểu được. Xoay trở mọi cách vẫn không gần gũi trở lại được với con trai, bà tìm tới chuyên gia vì “lo rằng sẽ không bao giờ gặp lại con trai duy nhất của mình nữa”.

Theo tác giả cuốn sách Hàn gắn rạn nứt gia đình - Mark Sichel (Manhattan, Mỹ), nỗi lo của bà Deborah Jackson có cơ sở khi tình trạng con cái trưởng thành cố tình xa lánh, thậm chí cắt đứt liên lạc với bố mẹ đang ngày càng gia tăng ở Mỹ.

TS tâm lý Joshua Coleman (San Francisco, Mỹ) cho biết ông nhận được rất nhiều lời yêu cầu từ các bậc bố mẹ nhờ giúp đỡ giải quyết xung đột thế hệ. Ông tổ chức một hội thảo trực tuyến cho các bố mẹ, hy vọng sẽ có khoảng 50 người tham gia nhưng con số lên tới 400 người.

Mỹ: Con cái ngày càng xa lánh bố mẹ ảnh 1

Con cái luôn gắn bó là điều bố mẹ luôn mong muốn. Ảnh: LMU.EDU

Điều gì gây ra rạn nứt? Theo TS Joshua Coleman, một phần là do tâm lý quá coi trọng bản thân, ít nghĩ tới cảm xúc của người khác làm xa cách quan hệ bố mẹ và con. Cuộc sống ngày nay đề cao sự thỏa mãn cá nhân, sự gắn kết hay chia rẽ của các cặp bố mẹ phụ thuộc vào nhu cầu cảm xúc của họ chứ không còn là ý thức truyền thống hay là ý thức bổn phận với con cái như trước. Hậu quả là con cái khi trưởng thành ít gắn kết với bố mẹ.

Tỉ lệ ly hôn càng cao đồng nghĩa ngày càng ít con cái có điều kiện cảm nhận mình là một phần của một gia đình không thể tách rời. Các tiện nghi, tiện lợi trong đời sống ngày nay làm giảm sự phụ thuộc của các thành viên trong gia đình vào nhau, càng khiến sự gần gũi của bố mẹ và con cái ít đi.

Trong khi đó theo chuyên gia Mark Sichel, công nghệ vốn tưởng sẽ mang mọi người lại gần nhau thì thật ra lại góp phần tạo thêm xa cách khi các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình ngày càng hiếm hoi vì đã có những tin nhắn, thư điện tử thay thế, chưa kể chúng rất dễ mang lại hiểu lầm.

Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp con cái xa lánh bố mẹ vì thiếu chín chắn. Dù thế nào, theo các chuyên gia, cách tốt nhất để bố mẹ hòa giải với con là nhận trách nhiệm về sai lầm của mình trước khi nghĩ đến lỗi của con. Chẳng hạn, sau một thời gian, bà Deborah Jackson nhận ra đã không quan tâm đủ đến biến động cảm xúc của con trai trong thời gian bố mẹ ly hôn, bà đã gọi điện thoại xin lỗi con và quan hệ tốt đẹp lại sau đó.

Bên cạnh đó, cần chấp nhận quan điểm trái ngược từ phía con, có thể bố mẹ hành động vì mong muốn điều tốt cho con nhưng con lại không cho là như vậy, hãy chấp nhận và đừng cố gắng chứng minh con đã sai. Làm cho con cảm thấy có lỗi không phải là cách hiệu quả, thậm chí nếu nó có vẻ có hiệu quả trước mắt thì bố mẹ cũng sẽ phải trả giá cao vì sự mặc cảm, oán giận tiềm tàng đã gây ra cho con cái. Ngoài ra, đừng phòng thủ với con, đừng bỏ cuộc quá sớm, thời gian rạn nứt càng dài thì thời gian hàn gắn cũng dài không kém, đừng cho con cái lời khuyên nếu con không cần, chẳng hạn đừng dạy bảo con phải làm cha mẹ như thế nào.

ĐĂNG KHOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm