Không ngoài dự đoán, trong cuộc Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung ngày 21-6 (giờ địa phương), Mỹ đã thúc giục Trung Quốc (TQ) tăng áp lực kinh tế, ngoại giao lên Triều Tiên để kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia đối thoại là Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Dẫn đầu phái đoàn TQ là Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Tổng Tham mưu trưởng quân đội TQ Phòng Phong Huy.
Tiếp tục đánh cược
Theo Bộ trưởng Mattis, cả Mỹ và TQ đều công nhận các mối đe dọa cấp thiết từ tình hình bán đảo Triều Tiên, cam kết hợp tác vì mục tiêu chung giải trừ hạt nhân tại khu vực. Trước mắt, Bắc Kinh đã đồng ý không để các công ty của mình làm ăn với các công ty Triều Tiên bị trừng phạt.
Cuộc đối thoại diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận xét trên Twitter rằng TQ không kiềm chế nổi Triều Tiên. Bộ Ngoại giao TQ sau đó nhanh chóng đáp lại, nói đã “nỗ lực không ngừng nghỉ” để giải quyết căng thẳng bán đảo Triều Tiên nhưng là vì lợi ích quốc gia chứ không phải vì áp lực bên ngoài. Nhiều chuyên gia nhận định có khả năng Washington sẽ thay đổi chiến lược đối phó với Bình Nhưỡng, cũng như điều chỉnh hợp tác với Bắc Kinh.
Tại cuộc họp báo sau đối thoại, ngoại trưởng Mỹ cho biết ông Trump vẫn sẽ thăm TQ trong năm nay. Bộ trưởng Mattis thông báo hai bên thống nhất mở rộng quan hệ quân sự. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Washington sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển quan hệ với Bắc Kinh với hy vọng nước này sẽ giúp xử lý vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Abraham Denmark, việc Tổng thống Trump nhận ra chính sách dùng Bắc Kinh khắc chế Bình Nhưỡng là một canh bạc thất bại sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo nhiều chuyên gia, TQ dù hứa hẹn với Mỹ thế nào đi nữa cũng không vượt qua được các ràng buộc quyền lợi của mình với Triều Tiên, đặc biệt quyền lợi về an ninh. Một người láng giềng sát biên giới chìm trong bất ổn hay sụp đổ sẽ không có lợi gì cho TQ, trong khi hạt nhân và tên lửa lại là hai trụ cột khẳng định uy tín của chính phủ Bình Nhưỡng với người dân.
Chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cũng không lạc quan mấy về khả năng TQ cố hết mình để kiềm chế Triều Tiên. Bà thậm chí còn lo ngại quan hệ Mỹ-Trung sẽ còn tệ hơn trước nếu canh bạc này đổ vỡ. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu ngày 21-6 thậm chí đã đăng bài viết nhận định: Việc Mỹ trông đợi TQ xử lý được chương trình hạt nhân của Triều Tiên là phi thực tế và có thể đẩy khu vực tới chiến tranh. Tờ báo cũng lên án việc Mỹ đe dọa trừng phạt thứ phát các công ty TQ làm ăn với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis (giữa) tại Đối thoại Ngoại giao và An ninh Mỹ-Trung ngày 21-6 tại Mỹ. Ảnh: REUTERS
Trung Quốc đang “câu giờ” với Mỹ?
Tờ National Interest dẫn ý kiến các chuyên gia rằng Mỹ không có nhiều lựa chọn, hay nói cách khác TQ là lựa chọn khả dĩ nhất: Chờ đợi Triều Tiên sụp đổ hầu như đã vô vọng. Trừng phạt kinh tế nếu muốn hiệu quả cũng cần sự hợp tác của TQ. Tấn công phủ đầu thì hậu quả quá phức tạp và tàn khốc. Trong khi đó các chương trình hạt nhân-tên lửa Triều Tiên ngày càng phát triển nhanh chóng mặt.
Nói với New York Times, nhiều nhà ngoại giao Mỹ cho rằng cửa lựa chọn của chính phủ Trump ngày càng hẹp. Thậm chí Lầu Năm Góc có thể sẽ chấp nhận giảm tập trận ở bán đảo Triều Tiên để Bình Nhưỡng tạm thời dừng chương trình vũ khí. Đề xuất này được phía TQ đưa ra vài tháng trước và vừa được lặp lại trong cuộc đối thoại. Phương án này cũng được cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ủng hộ. Theo New York Times, TQ dường như đang câu giờ để Mỹ cuối cùng phải thuận theo ý mình. Ngày 21-6, đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ Kye Chun-yong cũng lên tiếng bảo Triều Tiên sẵn sàng xem xét phong tỏa phát triển chương trình vũ khí hạt nhân nếu Mỹ-Hàn ngưng tập trận chung. Một sự trùng hợp thú vị.
Tuy nhiên, theo nhiều quan chức Mỹ, “tạm ngưng” các chương trình vũ khí là cái bẫy Bình Nhưỡng giăng ra mà các chính phủ tiền nhiệm của ông Trump đã nhiều lần mắc phải. Chính phủ Bill Clinton thống nhất với Triều Tiên “tạm ngưng” các chương trình vũ khí năm 1994. Tuy nhiên, Tổng thống George W. Bush vừa kế nhiệm thì lập tức Triều Tiên quay trở lại như cũ. Cuối giai đoạn chính phủ Bush, Washington - Bình Nhưỡng lại thống nhất một thỏa thuận “tạm ngưng” thứ hai, tuy nhiên Triều Tiên tiếp tục phá thỏa thuận khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức.
Nhiều khả năng chính phủ ông Trump sẽ không tránh được “bổn cũ soạn lại”. Nhiều chuyên gia, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William J. Perry, cho rằng chính Mỹ cũng cần “câu giờ”. Đây là cách duy nhất kìm hãm Triều Tiên phát triển thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bắn tới Mỹ, cho Lầu Năm Góc thêm thời gian chuẩn bị.
Trong lúc Mỹ và TQ đang bàn cách đối phó Triều Tiên thì vệ tinh tình báo Mỹ phát hiện một số diễn biến mới tại điểm thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, dẫn tới đồn đoán nước này có thể sắp thử hạt nhân lần nữa. Truyền thông Triều Tiên tiếp tục cứng rắn rằng nước này có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó Mỹ. ________________________________ “Mỹ luôn luôn đổ lỗi TQ không làm hết sức mỗi khi có mất mát gì đó liên quan đến Triều Tiên” - Thời Báo Hoàn Cầu phản ứng khi Tổng thống Trump lên Twitter nói TQ không kiềm chế nổi Triều Tiên. |