Một nhóm nhà lập pháp Mỹ từ hai đảng đã đề cử giải thưởng Nobel Hoà bình cho phong trào của phe đối lập Hong Kong. Động thái này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Bắc Kinh cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ nước nào "chính trị hóa" giải thưởng này, tờ Nikkei Asia đưa tin hôm 4-2.
Bức thư đề cử giải thưởng Nobel Hoà bình do năm thượng nghị sĩ và bốn hạ nghị sĩ gửi đến chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen.
Trong lá thư được công bố vào hôm 3-2 này, các nghị sĩ Mỹ nói rằng mục đích của đề cử là “tưởng nhớ tất cả những ai đã xây dựng và duy trì nhân quyền và dân chủ ở Hong Kong từ năm 1997 và góp thêm tiếng nói cho những người đấu tranh chống lại sự xói mòn của các quyền lợi và tự do, đảm bảo các hiệp ước quốc tế và luật của Hong Kong được áp dụng với người dân nước này”.
Trong bức thư, các nhà lập pháp Mỹ đã dẫn chứng những hành động gần đây của Trung Quốc để ngăn cản tiếng nói của phe đối lập Hong Kong. Đang chú ý là nhiều nhân vật của phe đối lập đang bị giam giữ trong tù hoặc lưu vong.
Họ viết rằng giải thưởng này "sẽ tôn vinh lòng dũng cảm và quyết tâm của họ (phe đối lập Hong Kong -PV) vì đã truyền cảm hứng cho thế giới".
Hiện Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về sự kiện này.
Quốc hội Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES
Trước đó gần sáu tháng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phát đi thông điệp cảnh báo không nên trao giải Nobel cho những người biểu tình Hong Kong trong chuyến thăm Na Uy của mình.
Trong một cuộc họp báo với Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide, ông Vương nói rằng: "Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Trung Quốc sẽ kiên quyết bác bỏ mọi nỗ lực của bất kỳ ai sử dụng giải Nobel Hòa bình để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Bên cạnh đó, ông khẳng định Bắc Kinh luôn giữ vững lập trường của mình đối với nguyên tắc này.
Theo tờ South China Morning Post, ông Dimitar Gueorguiev - giáo sư khoa học chính trị tại Maxwell School of Citizenship and Public Affairs (Mỹ) bình luận rằng với năm đảng viên Dân chủ và bốn đảng viên Cộng hòa ủng hộ đề cử, sự nỗ lực này “nhấn mạnh rằng áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc không hề giảm bớt”.
Ông cho rằng những người lạc quan ở Bắc Kinh có thể đã hy vọng rằng chính quyền ông Biden sẽ định hình lại mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng điều này dường như khó xảy ra.
Vừa qua, trong một sự kiện trực tuyến do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung (NCUCR) tổ chức, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì đã yêu cầu Mỹ “ngừng can thiệp vào Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương”. Ông cho rằng đây là những khu vực quan trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Dương còn đánh giá những chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump là “sai lầm về mặt chiến lược” và hy vọng chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden sẽ “đi đúng hướng”
Trước đó, năm 2010, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba đã được trao giải Nobel Hòa bình.
Bình luận về sự kiện này, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc có bài viết cho rằng việc Ủy ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba “không phải là một hành động vô tình mà là một sự lựa chọn có chủ ý”. Bài báo viết rằng đó là “căn bệnh mãn tính của Uỷ ban Nobel” khi chương trình nghị sự của uỷ ban này bị chi phối bởi hệ tư tưởng phương Tây.
Giải thưởng này đã khiến mối quan hệ của Bắc Kinh và Oslo căng thẳng cho đến năm 2016.