Việc Mỹ triển khai một máy bay ném bom siêu thanh tiên tiến tới tập trận ở bán đảo Triều Tiên gần đây thu hút sự chú ý của giới quan sát. Nhiều ý kiến cho rằng động thái này có thể nhằm mục đích răn đe Bình Nhưỡng, tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng Triều Tiên có thể xem cuộc tập trận này như một cái cớ để tăng cường kho vũ khí hạt nhân, theo tờ South China Morning Post.
Máy bay ném bom Mỹ xuất hiện giữa căng thẳng liên Triều
Hôm 5-6, Mỹ điều một máy bay ném bom B-1B Lancer từ đảo Guam tới Hàn Quốc tham gia tập trận ném bom chung với Không quân Hàn Quốc. Trong cuộc tập trận, máy bay ném bom B-1B Lancer đã thả một loại bom thông minh JDAM xuống Hwasung (Hàn Quốc), cách thủ đô Seoul khoảng 50km về phía tây.
Bom thông minh JDAM là sự chuyển đổi những quả bom thông thường thành vũ khí dẫn đường bằng GPS có độ chính xác cao. Máy bay ném bom B-1B Lancer có thể mang khối lượng vũ khí thông thường lớn.
Theo giới chức quân sự Mỹ và Hàn Quốc, đây là cuộc tập trận ném bom đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên có sự tham gia của máy bay ném bom Mỹ kể từ năm 2017. Cuộc diễn tập sẽ giúp hai nước chuẩn bị chiến đấu, củng cố thế trận phòng thủ tổng hợp và thể hiện khả năng răn đe mở rộng.
Bình Nhưỡng gọi việc triển khai máy bay ném bom lần này là bằng chứng cho thấy sự thù địch của Mỹ. Trước đây, Bình Nhưỡng cũng đã đáp trả việc triển khai máy bay B-1B cũng như các máy bay tiên tiến khác của Mỹ và Hàn Quốc ở bán đảo này bằng các vụ phóng tên lửa.
Cuộc tập trận diễn ra sau khi Triều Tiên đã thả hàng trăm quả bóng bay khổng lồ chứa rác tới Hàn Quốc vào tuần qua. Động thái của Bình Nhưỡng được coi là hành động trả đũa các chiến dịch của Hàn Quốc gửi bóng bay kèm truyền đơn và các vật phẩm khác vào Triều Tiên trước đây.
Đáp lại, Hàn Quốc đe dọa trả đũa và đã đình chỉ thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 - thoả thuận giúp ngăn chặn các cuộc đụng độ vô tình gần biên giới.
Răn đe phản tác dụng?
Theo các học giả, Triều Tiên rất nhạy cảm với các cuộc tập trận sử dụng bom phá boong-ke, vốn là loại bom có thể đe dọa các đường hầm và công trình quân sự dưới lòng đất cũng như các sở chỉ huy nước này.
Ông David Maxwell - Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ) - cho rằng việc Mỹ triển khai máy bay ném bom lần này sẽ khiến Bình Nhưỡng phải thận trọng khi biết rằng lực lượng không quân của Mỹ và Hàn Quốc có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Triều Tiên với độ chính xác cao.
Cùng ý kiến, ông Moon Seong-mook - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện An ninh Quốc gia (Hàn Quốc) - cho rằng cuộc tập trận của máy bay ném bom B-1B xuất phát từ mục đích của Mỹ và Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng răn đe trên bán đảo Triều Tiên sau khi hai nước này ký thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào năm ngoái.
Theo ông Moon, cuộc tập trận cũng nhằm mục đích biểu dương lực lượng nhằm ngăn chặn Triều Tiên có thêm những hành động cứng rắn làm gia tăng căng thẳng.
Tuy nhiên, động thái này có thể làm Triều Tiên phản ứng dữ dội vì khi tạo ra không khí đối đầu thì giới lãnh đạo Triều Tiên sẽ hiệu triệu được sự đoàn kết cũng như củng cố, tăng cường uy tín lãnh đạo của mình.
Còn ông Lee Il-woo - nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Korea Defense Network (Hàn Quốc) - cho rằng cuộc tập trận có thể gây ấn tượng với người dân Hàn Quốc nhưng đáng lẽ, cuộc tập trận của không quân phải bao gồm các vụ phóng tên lửa mô phỏng ngoài tầm radar của Triều Tiên thì mới đủ sức răn đe.
Cuộc tập trận ném bom răn đe Triều Tiên diễn ra khi tỉ lệ tín nhiệm đối với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol giảm xuống mức thấp kỷ lục là 21% vào tuần trước.
Sau cuộc tập trận, hôm 6-6, Tổng thống Yoon rất cứng rắn khi nói rằng Seoul sẽ không ngồi yên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có các hành động khiêu khích.