Trong hai ngày 24 và 25-5 tại Hawaii sẽ diễn ra cuộc họp giữa các nhà quân sự Mỹ và Trung Quốc để thảo luận về Thỏa thuận tham vấn hàng hải quân sự (hai nước ký kết năm 1998).
Bộ Tư lệnh không quân Mỹ ở Thái Bình Dương thông báo đây là cuộc họp định kỳ sáu tháng nhằm bảo đảm thông tin minh bạch và tăng cường hiểu biết giữa không quân và hải quân hai nước để tránh xảy ra đối đầu nguy hiểm.
Báo Stars and Stripes ghi nhận hoạt động này diễn ra sau sự cố hai máy bay tiêm kích Trung Quốc chặn máy bay trinh sát Mỹ ở cự ly hơn 15 m trong không phận quốc tế trên biển Đông hôm 17-5.
Bộ chỉ huy Thái Bình Dương đã đề nghị cần lắp máy ghi hình trên máy bay nhằm thu thập bằng chứng về thái độ ứng xử nguy hiểm của Trung Quốc.
Loại máy bay trinh sát US EP-3E Aries của Mỹ bị máy bay Trung Quốc chặn hôm 17-5. Ảnh: GETTY IMAGES
Trang web quân sự Breaking Defense ghi nhận hiện thời các loại máy bay trinh sát của Mỹ như P-3 Orion hay P-8 Poseidon chỉ được thiết kế chủ yếu để chụp ảnh mặt đất và mặt biển. Ảnh chụp máy bay lạ áp sát trên không lại không thể hiện rõ khoảng cách.
Lầu Năm Góc đã lên tiếng về các vụ máy bay Nga và Trung Quốc chặn đầu từ hơn một năm nay.
Trả lời báo USA Today ngày 22-5 (giờ địa phương), tướng Herbert “Hawk” Carlisle chỉ huy bộ tư lệnh tác chiến không quân Mỹ nhận định không quân rất lo ngại tình hình chặn đầu máy bay Mỹ trong không phận quốc tế.
Ông nhận xét Trung Quốc muốn kiểm soát không phận quốc tế trên biển Đông để cuối cùng lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông.
Ông chủ trương tiếp tục duy trì liên lạc với Nga và Trung Quốc để tránh sự cố đồng thời huấn luyện phi công đối phó với các vụ chặn đầu như thế.
Trong khi đó, tạp chí National Interest nhận định Lầu Năm Góc đã vạch ra nhiều giải pháp để đối phó Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo ở biển Đông.
Một trong các giải pháp là bố trí pháo phòng không cơ động ở biển Đông như pháo M777 Howitzer hay pháo M109 Paladin.
Pháo cơ động đáp ứng hai yêu cầu vừa phòng thủ vừa tấn công và mang lại lợi ích chiến thuật chẳng khác tên lửa Patriot hay hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Lầu Năm Góc khẳng định đến nay chưa có quyết định chính thức nào vì Lầu Năm Góc vẫn chủ trương tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết theo cách hòa bình và ngoại giao. Song song theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tự do hàng hải ở biển Đông.
National Interest ghi nhận nếu bố trí pháo phòng không cơ động ở biển Đông, Mỹ phải hợp tác với các đồng minh trong khu vực bởi Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở biển Đông.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Bill Urban giải thích Bộ Quốc phòng Mỹ đang tăng cường hỗ trợ Đông Nam Á thông qua Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á nhằm đào tạo, trang bị và hỗ trợ cho Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Báo China Daily (Trung Quốc) ngày 23-5 dẫn nguồn tin từ Cục Cứu nạn Nam Hải (cách gọi biển Đông của Trung Quốc) đưa tin trong nửa cuối năm nay, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc sẽ phối hợp với quân đội triển khai tàu chở máy bay không người lái và người máy hoạt động dưới biển ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam với danh nghĩa là tàu cứu nạn. Báo này cũng đưa tin Trung Quốc đã ngang ngược xây dựng hai hải đăng, bốn đèn hiệu cùng bốn trạm vô tuyến và điện thoại di động trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Reuters nhận định Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang nhiên phát triển cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự trong vùng biển tranh chấp. ___________________________________ 18.500 quân đã được Mỹ triển khai ở Hàn Quốc, 2.400 quân ở Nhật, 2.000 quân ở Guam, 480 quân ở Philippines, 22.300 quân ở Hawaii và 13.500 quân ở Alaska. _____________________________________ Họ càng hung hăng hơn sẽ dẫn đến nguy cơ tính toán sai lầm. Bạn không biết việc này sẽ dẫn đến đâu hay đến chấm hết. Tướng không quân HERBERT “HAWK” CARLISLE |